Mặc dù chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua nhưng giới quan sát nhận định, các cuộc đối thoại thành lập liên minh của Thủ tướng Merkel sẽ không dễ dàng khi các đảng trung tả lo ngại lặp lại kịch bản xấu như 2 đối tác trong liên minh trước đó của bà.

Với kết quả bầu cử vừa qua, về lý thuyết có 3 khả năng thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức, bao gồm liên minh giữa khối của Thủ tướng Merkel và đảng Xanh hoặc Đảng Dân chủ xã hội (SPD), liên minh giữa Đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Cánh tả.

Người dân Đức đang chờ đợi bà Merkel thành lập được liên minh (Ảnh Guardian)

Khả năng thứ ba được cho là khá thấp do ứng cử viên thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội Peer Steinbrück bác bỏ việc liên minh với đảng Cánh tả.

Chính vì vậy, Thủ tướng Merkel sẽ phải đàm phán với một trong hai đảng trung tả để thành lập liên minh. Giới quan sát nhận định, các đối tác tiềm năng mới của Thủ tướng Merkel sẽ không vội vã nhận lời tham gia một chính phủ liên minh mới tại Đức.

Mặc dù Thủ tướng Merkel đạt được sự ủng hộ cao trong thời gian qua, nhưng các đối tác trong 2 liên minh cầm quyền trước đó có kết quả không mấy tốt đẹp.  

Một đối tác trong liên minh mới nhất là Đảng Dân chủ Tự do vừa bị loại khỏi quốc hội khi không đạt đủ 5% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Khả năng dễ xảy ra nhất và cũng là điều người dân Đức mong muốn hiện giờ đó là khối liên minh của Thủ tướng Merkelhợp tác với Đảng Dân chủ xã hội để trở thành một Đại liên minh.

Đảng Dân chủ xã hội cũng là một đối tác liên minh trong nhiệm kì đầu tiên của Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, họ cũng mất dần sự ủng hộ khi ở trong liên minh này.

Bên cạnh đó, những bất đồng trong chính sách trong và ngoài nước giữa các đảng khiến cuộc đàm phán liên minh khó nhận được sự đồng thuận.

Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Merkelbác bỏ đề xuất từ 2 đảng trung tả đối với vấn đề tăng thuế đối với người có thu nhập cao và áp dụng lương tối thiểu quốc gia, vì cho rằng làm tổn hại đến nền kinh tế đất nước.

Trong các chính sách của Đức với châu Âu, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh đều chỉ trích cách tiếp cận của bà Merkel trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone. Người đứng đầu Đảng Dân chủ xã hội (SPD) ủng hộ một chương trình tái thiết châu Âu thay vì chỉ thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng như hiện nay.

Tuy nhiên, bà Merkel khẳng định chính sách châu Âu của bà sẽ không thay đổi: “ Chúng tôi nêu rõ rằng sẽ không có sự thay đổi trong chính sách với châu Âu. Chúng tôi tiến hành chiến dịch bầu cử vừa qua theo quan điểm này và sẽ tiếp tục con đường này. Đây có lẽ là một thông điệp quan trọng đối với người dân. Chính sách châu Âu là một phần trong chính sách chủ chốt của Đức và chúng tôi sẽ tiếp tục với tinh thần hiện nay”

Người đứng đầu Đảng Xanh Claudia Roth hoan nghênh các cuộc đối thoại với Thủ tướng Merkel, nhưng cũng nhấn mạnh hai bên có cách tiếp cận về chính trị hoàn toàn khác nhau. Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Sigmal Gabriel hôm qua cho biết, sẵn sàng đối thoại với bà Merkel thành lập một liên minh nhưng cũng thừa nhận sẽ không hoàn toàn dễ dàng.

“ Đảng Dân chủ xã hội không tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người kế nhiệm trong đối tác liên minh của Thủ tướng Merkel vốn có kết quả không mấy tốt đẹp. Đó không phải là ý định của chúng tôi. Thông điệp của Đảng Dân chủ xã hội rất rõ ràng, không có gì được quyết định trước, không có gì là tự động đối với việc tìm kiếm một chính phủ liên minh”, bà Gabriel nói.

Đảng Dân chủ xã hội chiếm một nửa Nội các trong chính phủ đầu tiên của bà Merkel, giữ những vị trí quan trọng như Tài chính, Ngoại giao, Lao động.

Theo người đứng đầu viện khảo sát Allensbach của Đức Renate Koecher, nếu tham gia liên minh, Đảng Dân chủ xã hội sẽ tiếp tục đưa ra các lập trường cứng rắn, buộc Thủ tướng Merkel phải nhượng bộ. Trong khi đó, các đảng nhỏ dường như sẽ mạnh hơn nếu họ đứng ở một chiến tuyến đối lập.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ phía trước trong các cuộc đàm phán liên minh nhưng giới quan sát nhận định, người dân Đức thường tự hào về sự ổn định chính trị của mình. Các đảng cũng không có lợi khi để chính phủ bế tắc, buộc nước này phải hướng đến  một cuộc bầu cử mới trong bối cảnh kinh tế và chính trị ổn định như  hiện nay./.