Nhiều nguồn tin báo chí tại Đức ngày 26/10 khẳng định chính phủ Đức đang lên kịch bản tái phong tỏa nước này, với các biện pháp ít nghiêm ngặt hơn, nhằm chặn đà bùng phát của dịch Covid-19 trong bối cảnh đích thân Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo nước này đang có nguy cơ đánh mất kiểm soát.

Thông tin trên được tờ Bild, nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất nước Đức, đăng tải trong chiều ngày 26/10. Theo tờ này, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã lên kịch bản tái phong tỏa, nhưng với các biện pháp ít khắc nghiệt hơn hồi tháng 3/2020, để ngăn sự bùng phát các ca nhiễm virus Sars-CoV-2 trong những ngày qua tại Đức.

Theo kế hoạch này, toàn bộ các nhà hàng, quán bar sẽ bị đóng cửa, các sự kiện công cộng bị hủy bỏ. Tuy nhiên, các cửa hàng và trường học vẫn tiếp tục mở, ngoại trừ tại những khu vực có tỷ lệ nhiễm đặc biệt cao. Việc di chuyển và tiếp xúc của các công dân sẽ bị hạn chế tối đa, dù người dân sẽ không bị cấm ra khỏi nhà.

Được hỏi về các thông tin do tờ Bild đưa ra, người phát ngôn chính phủ Đức chiều 26/10 không khẳng định song cũng không phủ nhận, và cho biết chính phủ Đức vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định đẩy cuộc họp với lãnh đạo 16 bang tại Đức vốn dự kiến diễn ra ngày 30/10 lên sớm hơn hai ngày, vào ngày 28/10.

Nhiều nguồn tin cho biết, chính phủ Đức sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn dự kiến khi đích thân Thủ tướng Angela Merkel phát biểu trong cuộc họp của đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo - CDU sáng ngày 26/10 rằng “tình hình đang cực kỳ nghiêm trọng và có nguy cơ vuột tầm kiểm soát”. Theo tính toán, nếu không có các biện pháp cấp bách, số ca nhiễm Sars-CoV-2 hàng ngày tại Đức có thể lên tới 30 ngàn ca/ngày vào tuần tới.

Hiện tại, dù diễn biến dịch Covid-19 tại Đức đang ít nghiêm trọng hơn các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Italia hay Anh khi số ca nhiễm ngày 26/10 chỉ ở mức hơn 8 ngàn ca nhưng cũng đã có 2 thị trấn ở bang Bavaria với hơn 220 ngàn dân thực hiện phong tỏa kể từ tuần trước khi số ca nhiễm tăng cao.

Giống như Đức, chính phủ hầu hết các nước châu Âu khác đang gấp rút chuẩn bị các phương án khắc nghiệt hơn để đối phó với làn sóng dịch thứ 2. Tại Italia, các biện pháp hạn chế đã chính thức có hiệu lực trong ngày 26/10, đồng thời chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte ra khuyến cáo mới, đề nghị công dân Italia không đi du lịch nước ngoài để tránh bị mắc kẹt nếu các nước đóng cửa biên giới trong thời gian tới./.