Thủ tướng Anh Theresa May hôm nay (21/1) sẽ công bố “kế hoạch B” thay thế cho thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) đã bị Quốc hội Anh từ chối trước đó. Trước thời điểm bà May công bố kế hoạch, một cuộc chiến đã nổ ra giữa thành viên nội các Anh và các nghị sĩ Quốc hội. Ai cũng nhận phần đúng về mình và đổ lỗi sai cho bên kia.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox – một trong những người ủng hộ Brexit - hôm qua đã cáo buộc các nghị sĩ cố tình “đánh cắp Brexit”: “Người dân Anh ủng hộ Brexit trong khi Quốc hội lại chủ trương ở lại EU. Quốc hội không có quyền can thiệp tiến trình Brexit. Quốc hội đã nói với người dân rằng chúng tôi sẽ làm hợp đồng cho người dân. Người dân sẽ đưa ra quyết định và chúng tôi sẽ tôn trọng nó. Tuy nhiên, điều mà chúng ta nhận được hiện nay là có một số người hoàn toàn phản đối kết quả trưng cầu ý dân, cố tình can thiệp tiến trình Brexit, đánh cắp kết quả trưng cầu ý dân của người dân.”
Ông đồng thời cảnh báo, nếu kết quả trưng cầu Brexit không được tôn trọng, hệ lụy chính trị sẽ vô cùng to lớn. Theo ông Fox, cách để phá vỡ bế tắc hiện nay là Chính phủ phải giành thêm sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ bằng cách tìm kiếm một “cơ chế thực sự khác biệt” đối với đề xuất “rào chắn”, nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland trong thỏa thuận Brexit để ràng buộc Anh với những quy định của khối song lại bị các nghị sĩ Anh phản đối kịch liệt.
Tuyên bố của một thành viên Chính phủ Anh ngay lập tức vấp phải phản ứng từ không ít nghị sĩ Anh. Không ít nghị sĩ còn đưa ra những phương án nhằm giải quyết những bế tắc đối với thỏa thuận Brexit hiện nay. Ông Keir Starmer - người phát ngôn về Brexit của Công đảng hôm 20/1 đã nói rằng, Chính phủ Anh nên bác bỏ khả năng Anh ra đi mà không có thỏa thuận.
Ông Starmer đề xuất mở rộng thời hạn điều 50 hiệp ước Lisbon hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác: “Chúng ta cần thực tế hơn với các lựa chọn. Tôi không muốn thấy nước Anh rời đi mà không có thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là hãy mở rộng điều khoản 50.”
Cùng chung quan điểm với ông Starmer, một nhóm nghị sĩ gồm nghị sĩ Công đảng Yvette Cooper, Cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh và là thành viên đảng Bảo thủ Nicky Morgan và nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do Norman Lamb đã đề xuất Anh kéo dài thời gian đàm phán với EU sau ngày 29/3 tới trong trường hợp các nghị sĩ không phê chuẩn được một thỏa thuận Brexit vào ngày 26/2 tới.
Quốc hội Anh không có quyền “đánh cắp quá trình Brexit“
Trong cuộc trả lời hãng tin Sky News, Cựu Bộ trưởng Giáo dục đảng Bảo thủ Nicky Morgan đã nói rằng nước Anh cần thay đổi luật nếu muốn ngăn chặn kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Trong khi nghị sĩ đảng Bảo thủ Dominic Grieve, vốn chủ trương ở lại Liên minh châu Âu thì nói rằng, bản thân ông không hề muốn ngăn chặn Brexit mà chỉ muốn Chính phủ phải lắng nghe quan điểm của phần đông nghị sĩ trong Quốc hội. Ông này đề xuất phương án để các nghị sĩ được quyền tranh luận và bỏ phiếu đối với các vấn đề Brexit tuần một lần, phá vỡ thông lệ chỉ có chính phủ mới được quyền kiểm soát khung thời gian Brexit. Theo ông Grieve, tranh luận sẽ giúp Chính phủ hiểu rõ và đáp ứng điều mà Quốc hội mong muốn ở thỏa thuận Breixt.
Theo kế hoạch, trong ngày 21/1, bà May sẽ công bố “kế hoạch B” thay thế cho thỏa thuận đã bị từ chối. Sau đó các nghị sĩ có thể đưa ra những lựa chọn để xem hướng tiếp cận nào sẽ nhận được sự ủng hộ của số đông và đưa ra bỏ phiếu vào ngày 29/1 tới.
Trong khi chờ Quốc hội tranh luận và phê chuẩn kế hoạch B cho Brexit, một bầu không khí chính trị ngột ngạt vẫn tiếp tục bao trùm nước Anh trong những ngày này, báo hiệu một cơn bão lớn tiếp tục xảy ra. Thủ tướng Anh sẽ lại tiếp tục hành trình vượt “những dốc đá thẳng đứng” mà không biết khi nào mới vượt qua được./.