Liên minh Châu Âu (EU) cáo buộc Belarus đã đưa hàng nghìn người từ Trung Đông vào EU bằng đường hàng không, cụ thể là tại các nước thành viên của NATO bao gồm Ba Lan, Litva và Latvia, để đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Phía Belarus phủ nhận việc gây ra khủng hoảng và đã sơ tán một trại di cư gần biên giới hôm 18/11 vừa qua. Một số người dân Iraq bắt đầu được đưa về quê hương, trong khi Ba Lan và Litva cho biết, số lượng người di cư vượt biên trong những ngày gần đây đã giảm.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Estonia, Litva và Latvia vào Chủ nhật (21/11), ông Morawiecki cảnh báo, cuộc khủng hoảng di cư chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn.
Ông cũng chỉ ra việc tăng cường hiện diện quân sự của Nga gần Ukraine, cũng như ở Belarus và vùng Kaliningrad của Nga (giáp biên giới với Ba Lan và Litva) là "một công cụ có thể được sử dụng để tấn công trực diện".
Tình hình ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản có khả năng sẽ là “giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng di cư”, Thủ tướng Morawiecki cho hay.
Trong khi đó, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte nhận định, các đối tác châu Âu không nên phớt lờ các nước láng giềng của Belarus, sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel điện đàm với ông Lukashenko hai lần nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo.
“Đối với chúng tôi, việc tiến hành các cuộc trao đổi với Belarus trong sự hợp tác với Litva, Ba Lan và Latvia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trước nguy cơ của một cuộc tấn công phối hợp. Sẽ không có quyết định nào được đưa ra nếu không giải quyết được căn bản vấn đề”, bà Simonyte phát biểu sau cuộc gặp với ông Morawiecki hôm 21/11.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp cho biết, Nga cần gây sức ép lên Belarus để chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư hiện nay./.