Ngày 19/11, theo Điện Kremlin, các Tổng thống Nga Vlađimia Putin và Belarus Alexander Lukashenko, trong cuộc điện đàm, đã một lần nữa thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với các nước EU. Nga đang nỗ lực đóng vai trò trung gian giúp giải quyết tình hình.
Đây là lần thứ hai trong tuần này, Tổng thống Nga V.Putin điện đàm với Tổng thống Belarus A.Lukashenko về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với các nước EU. Hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những hành động tàn bạo, không thể chấp nhận được của lính biên phòng Ba Lan, bao gồm cả việc tích cực sử dụng vũ lực và thiết bị đặc biệt chống lại những người di cư.
Tổng thống Belarus Lukashenko đã thông báo về các bước mà Minsk thực hiện để giảm leo thang cuộc khủng hoảng và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người di cư, cũng như cuộc điện đàm tiếp theo với Quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel được tổ chức vào ngày 17/11. Tổng thống Nga và Belarus lưu ý tầm quan trọng của việc thiết lập hợp tác giữa Minsk và Liên minh châu Âu để giải quyết vấn đề.
Trước đó, ngày 17/11, Quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm thứ hai với ông Lukashenko trong vòng một tuần. Các bên đã thảo luận về việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Trong diễn biến liên quan, các phương tiện truyền thông Belarus đưa tin, trong cuộc trò chuyện đầu tiên với Quyền Thủ tướng Đức, Tổng thống Lukashenko đã đề xuất các giải pháp cho vấn đề di cư ở biên giới nước này với Ba Lan. Theo đó, Liên minh châu Âu tạo ra "hành lang nhân đạo cho 2 nghìn người tị nạn đang ở trong trại". Về phần mình, Belarus cam kết hỗ trợ cho 5 nghìn người còn lại trở về quê hương của họ.
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan, nơi người di cư đổ xô từ đầu năm đến nay, đã leo thang mạnh vào ngày 8/11. Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới, cố gắng lọt vào lãnh thổ của Ba Lan. Các nước EU cáo buộc Minsk cố tình làm leo thang khủng hoảng và kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Belarus A.Lukashenko tuyên bố rằng, chính các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng này, vì hành động của họ mà người dân đang chạy trốn khỏi chiến tranh.
Theo chuyên gia, người di cư sẽ không quay trở lại quốc gia xuất phát, vì họ đã chạy trốn khỏi chiến tranh. Kịch bản hiệu quả nhất là đối với Đức, nước đã đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, chấp nhận một số lượng nhỏ người tị nạn trên lãnh thổ của mình. Nhiệm vụ của Berlin là gây áp lực nhất định để nhận được sự ủy quyền đàm phán từ người Ba Lan và với sự giúp đỡ trung gian của Matxcơva, thống nhất rằng, Ba Lan sẽ tạo ra một hành lang trung chuyển tới Đức. Ở đó, những người di cư sẽ được kiểm tra theo các tiêu chuẩn châu Âu để xác minh tình trạng của họ và cấp quyền tị nạn chính trị. Về phần mình, Belarus đang đóng các chuyến bay đến quốc gia xuất phát của những người di cư này, để không chuyên chở thêm đến Minsk. Đây là lộ trình duy nhất, với ý chí của Berlin và Matxcơva, sẽ giúp giải quyết tình hình./.