Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua (4/12) đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội tại phiên tranh luận đầu tiên kéo dài 5 ngày trước thời điểm Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về dự thảo thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) đã được Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu đạt được mới đây.

Để thua ngay trong phiên tranh luận đầu tiên đặt ra áp lực không nhỏ đối với Thủ tướng Anh trong tiến trình giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit.

2018_12_03_opi_46213217_i1_edqk.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Telegraph.

Thủ tướng Anh mong muốn Quốc hội sẽ phê chuẩn và ủng hộ thỏa thuận Brexit nhằm duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa Anh và Liên minh châu Âu sau khi Anh rời Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, bà May đã đối mặt với phản ứng dữ dội  tại phiên tranh luận.

Không ít ý kiến cho rằng, thỏa thuận Brexit đã không thể hiện được ý nguyện của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016. Không ít nghị sĩ Bắc Ireland còn chỉ trích Thủ tướng Anh đã không đưa được điều khoản bảo vệ quyền lợi cho cử tri Bắc Ireland vào thỏa thuận Brexit vốn dĩ đã được nội bộ nước Anh thống nhất trước đó. 

Bất chấp sự phản đối, Thủ tướng May vẫn kiên định bảo vệ kế hoạch Brexit của bà: “Tôi tin tưởng vào Quốc hội. Nghĩa vụ của chúng ta, với vai trò là những nhà chính trị phải chuyển tải được kết quả trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016. Người dân đã bỏ phiếu và chúng ta đã cho họ có quyền được lựa chọn. Họ đã bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu. Giờ nghĩa vụ của chúng ta là phải đưa nước Anh rời ngôi nhà chung mà vẫn đảm bảo lợi ích của đất nước”.

Quá trình tranh luận và phiên bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit để chuẩn bị cho việc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019 đều có tầm quan trọng như nhau nhằm xác định bằng cách nào và liệu có khả thi hay không khi Anh rời ngôi nhà chung như kế hoạch đã định. Giới phân tích dự báo, kế hoạch Brexit của Chính phủ Anh sẽ còn tiếp tục bị tổn thương trong những ngày tranh luận tới ở Quốc hội.

Trong trường hợp, Thủ tướng May giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong phiên bỏ phiếu ngày 11/12 tới, nước Anh sẽ rời ngôi nhà chung vào ngày 29/3/2019. Ngược lại, nếu để thua trong cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Anh sẽ được quyền kêu gọi bỏ phiếu lần 2 về thỏa thuận. Tuy nhiên, việc thất bại ngay trong lần bỏ phiếu thứ nhất cũng sẽ làm tăng nguy cơ nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận nào. Kịch bản này cũng sẽ đặt kinh tế và doanh nghiệp Anh đối mặt với bất ổn, đồng thời buộc bà May đứng trước nguy cơ phải từ chức./.