Ngoài ra, ông cũng gửi kèm một bản sao văn bản dự thảo được đưa ra trong một đạo luật buộc ông phải yêu cầu gia hạn Brexit. Ông Boris Johnson cũng đồng thời gửi một lá thư khác cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, ông không muốn gia hạn Brexit. Trong bức thư này, ông Boris Johnson nói rằng, quan điểm của ông và chính phủ Anh là việc gia hạn Brexit sẽ làm tổn hại lợi ích của Vương quốc Anh và các đối tác EU.

thutuonganh_vaua.jpg
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, trong một thông báo trên Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk cho biết, ông đã nhận được yêu cầu gia hạn Brexit từ Thủ tướng Anh Boris Johnson và ông sẽ tư vấn cho các nhà lãnh đạo EU về cách phản ứng. 

Trước đó, tối cùng ngày, thay vì ủng hộ thỏa thuận Brexit của ông Boris Johnson  trong một cuộc bỏ phiếu chính thức, các nghị sĩ lại đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi được đề xuất bởi một nhóm nghị sĩ liên đảng dẫn đầu bởi nghị sĩ Oliver Letwin. Sửa đổi này đã được thông qua với 322 phiếu thuận, 306 phiếu chống, kêu gọi Quốc hội “hoãn lại việc ủng hộ” kế hoạch của ông Boris Johnson cho đến khi tất cả các điều luật cần thiết cho việc thực thi thỏa thuận được Quốc hội thông qua.

Điều này có nghĩa là Thủ tướng Anh giờ sẽ có trách nhiệm pháp lý phải yêu cầu hoãn lại Brexit một lần nữa, theo quy định của đạo luật Benn, nếu ông không thể thông qua kế hoạch của mình trước 11h đêm ngày 19/10 theo giờ địa phương. Đạo luận Benn được Quốc hội Anh thông qua hôm 9/10, yêu cầu Thủ tướng phải thương lượng để được gia hạn Brexit trong một số trường hợp đặc biệt, với hạn chót rút lui mới là 31/1/2020./.