Cộng đồng quốc tế hôm qua tiếp tục kêu gọi các bên tại Ai Cập kiềm chế tối đa và cùng nhau tìm kiếm một giải pháp hòa bình, trong bối cảnh các vụ đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.
Đã có ít nhất 173 người tử vong trên cả nước trong các vụ bạo lực riêng ngày 17/8, nâng tổng số người thiệt mạng từ ngày 14/8 vừa qua lên 750 người.
Trong một diễn biến mới nhất, người phát ngôn Chính phủ Ai Cập hôm 17/8 cho biết, Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi đã chính thức đề xuất giải thể phong trào Anh em Hồi giáo và vấn đề này đang được chính phủ xem xét.
Thế đối đầu căng thẳng tại Ai Cập giữa 1 bên là cảnh sát và quân đội với 1 bên là những người biểu tình thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo (ảnh: AFP) |
Trong thông báo của mình, Người phát ngôn Chính phủ Ai Cập cũng khẳng định, không có cơ hội hòa giải với lực lượng chính trị xuất thân của Tổng thống bị phế truất Morsi.Thông báo đưa ra trong bối cảnh các vụ đụng độ bạo lực trong vòng 24 giờ qua giữa lực lượng an ninh và những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi, trong đó chủ yếu là những người thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã khiến ít nhất 173 người thiệt mạng trên cả nước.
Cộng đồng quốc tế hôm qua tiếp tục có những phản ứng trước tình trạng bạo lực đẫm máu tại Ai Cập. Có thêm nhiều nước Liên minh châu Âu khuyến cáo công dân không nên tới Ai Cập, trong khi Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan đã tiến hành đưa công dân về nước. Về phần mình, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ tại Ai Cập về nước.
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Qatar tại thủ đô Berlin, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 17/8 kêu gọi các bên đối thoại, đồng thời coi đây là lựa chọn duy nhất để mang lại hòa bình cho đất nước.
“Điều cần thiết nhất lúc này là các nhà lãnh đạo Ai Cập phải cùng với phe đối lập nhất trí cách thức để chấm dứt bạo lực,” ông Westerwell nói. “Không có lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức các cuộc thảo luận, đối thoại và giảm căng thẳng. Cơ hội để khởi động tiến trình chính trị không nên bị đem ra để đánh cược.”
Về phần mình, Ngoại trưởng Qatar Mohamed Al-Attiyah một lần nữa nhấn mạnh các bên cần phải chấm dứt bạo lực, bởi theo ông điều này chỉ gây hại cho thế giới Arab, vốn đã phải hứng chịu quá nhiều cuộc khủng hoảng và cú sốc.
“Chúng tôi thực sự lo ngại trước tình trạng bạo lực tại Ai Cập. Chính phủ và người dân Qatar xin gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân,” ông Attiyah phát biểu. “Chúng tôi phản đối bạo lực. Thế giới Arab đã phải hứng chịu quá nhiều khủng hoảng và cú sốc. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt bạo lực.”
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao của Uruguay, Brazil ra thông cáo lên án bạo lực leo thang tại Ai Cập, đồng thời thúc giục các bên liên quan giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro kêu gọi chính phủ Ai Cập khôi phục trật tự hiến pháp, đồng thời cho biết sẽ cùng các thành viên khác của Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (Alba) đưa vấn đề lên Liên Hợp Quốc.
Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Ai Cập và người biểu tình cũng hình thành nên các thái cực khác nhau giữa các nước trong khu vực. Trong khi Saudi Arabia lại đưa ra một thông điệp thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với giới chức quân đội Ai Cập, theo đó kêu gọi các nước A-rập cùng nhau chống lại "các nỗ lực gây bất ổn" tại Ai Cập, thì Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar ra tuyên bố lên án việc quân đội Ai Cập sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.
Tình hình tại Ai Cập bắt đầu nóng lên từ ngày 14/8 khi lực lượng an ninh nước này triển khai chiến dịch chống lại các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi.
Sau các cuộc đụng độ gay gắt, tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm được áp dụng ở trong nước.
Bộ Nội vụ Ai Cập cũng bật đèn xanh cho việc quân đội dùng vũ lực và đạn thật để đối phó với những người biểu tình tấn công cảnh sát và các cơ quan công quyền.
Theo các nhà phân tích, những gì diễn ra cho thấy Ai Cập đang nhanh chóng biến từ một nước đang gặp khủng hoảng sang một nước có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực kéo dài. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, nguy cơ của một cuộc nội chiến đã hiện hữu và Ai Cập đang đứng bên bờ vực thẳm./.