Tờ The Economic Times có bài bình luận cho rằng, tròn 1 năm sau ngày trở lại giữ cương vị Thủ tướng Nhật bản, tài điều hành đất nước của Thủ tướng Abe cũng như kế hoạch giải cứu nền kinh tế Nhật Bản của ông đang được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao.

shinzo_abereuters.jpg
Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)

Khi ông Abe thành lập Nội các vào ngày 26/12/2012, ông đã có được sự ủng hộ của một bộ phận lớn người dân để có thể giúp nước Nhật hồi phục sau gần 2 thập kỷ tăng trưởng mờ nhạt.

Ông Shinzo Abe từng có tuyên bố khẳng định rằng: “Nhật Bản sẽ trở lại như vốn có”. Nói là làm, ông Abe bắt tay ngay vào những hành động cụ thể và dấu ấn trên mọi phương diện của vị Thủ tướng quyết đoán sau một năm điều hành đất nước là không thể phủ nhận.

Trên phương diện kinh tế, ông khởi xướng một chương trình cải cách kinh tế, thường được biết đến với tên gọi Abenomics. Mục tiêu của chương trình này là đưa Nhật Bản thoát khỏi sự trì trệ kéo dài suốt 15 năm qua.

Trong khi các nước châu Âu theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng để đối phó với khủng hoảng kinh tế thì ông Abe quyết định tăng chi tiêu công của Nhật Bản thêm khoảng 150 tỷ USD để hỗ trợ cho lĩnh vực xây dựng.

Thủ tướng Abe cũng thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm thêm tiền nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Abenomics cũng tăng cường hỗ trợ năng lực canh tranh của khu vực nông nghiệp, lao động, dịch vụ và xuất khẩu.

Giáo sư kinh tế Ivan Tselichtchev thuộc Đại học Niigata nhận định: “Abenomics rõ ràng là đáng được khen ngợi. Nó đã cải thiện đáng kêt tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng, đó là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế”.

Theo The Economic Times, năm 2013, việc Tokyo được trọn đăng cai Thế vận hội năm 2020 cũng được coi là một thắng lợi đáng ghi nhận của ông Abe khi đây là cơ hội tốt cho Nhật Bản phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng.

Trên phương diện ngoại giao, ông Abe theo đuổi chính sách ngoại giao con thoi nhằm khẳng định vai trò và vị thế cường quốc có trách nhiệm của Nhật Bản. Trong 1 năm cầm quyền của ông Abe, Nhật Bản đã ký kết một thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Thổ Nhỹ Kỳ, mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không ngừng được củng cố.

Trong bài phát biểu tuần trước, ông Abe nói: “Đây là một năm rất bận rộn của tôi với những chuyến công du nước ngoài liên tục”. Trong gần 1 năm qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã đi thăm tất cả 10 nước ASEAN với nhiều chương trình hợp tác cụ thể. Chỉ 6 tháng qua, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau 4 lần.

Nhật Bản cũng đang có những điều chỉnh mạnh mẽ trong chiến lược an ninh, quốc phòng. Vẫn tôn trọng bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản nhưng ông Abe theo đuổi thực hiện “chủ nghĩa hòa bình tích cực” để có thể đối phó với những diễn biến mới trong khu vực.

Ngay khi trở lại cương vị Thủ tướng, ông Abe đã nhận định, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang có những thay đổi, và không giấu giếm ý định tăng cường sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ an toàn đất nước.

Minh chứng rõ nhất cho những tuyên bố trước đó của ông Abe là việc Nội các Nhật Bản vừa thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới. Theo đó, Tokyo sẽ chi 24.700 tỷ yên (240 tỷ USD) trong 5 năm từ năm 2014-2019, tăng 5% so với ngân sách quốc phòng hiện tại.

Bình luận về chiến lược an ninh mới được phê chuẩn, ông Abe nói: “Việc phê duyệt chiến lược an ninh quốc gia, thực hiện chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản là rõ ràng và minh bạch, để cho cả người dân Nhật Bản và thế giới thấy được những gì chúng tôi làm”.

The Economic Times nhận định rằng, nhìn chung, ông Abe đã có một năm trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản tương đối thành công. Tuy nhiên, ông Abe vẫn "ám ảnh" về nguy cơ hạt nhân Triều Tiên còn tiềm ẩn.

Trên mặt trận kinh tế, dù đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng ông Abe vẫn sẽ còn nhiều việc phải làm để vực dậy hoàn toàn nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2014./.