Ngay sau khi có tin này hàng ngàn người ủng hộ ông đã đổ ra đường phố ở thủ đô Caracas để biểu tình.

Chịu bắt giữ để kích động biểu tình

Theo Reuters, đám đông người biểu tình đã cố gắng ngăn cản chiếc xe chở ông Lopez, 42 tuổi, là chuyên gia kinh tế tốt nghiệp Đại học Harvard sau khi ông này chia tay gia đình và nộp mình cho lực lượng an ninh nước này.

Các thủ lĩnh phe đối lập khác cho rằng, vụ bắt giữ ông Lopez sẽ càng kích động người biểu tình chống lại Tổng thống Nicolas Maduro mặc dù vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy những người biểu tình quyết tâm lật đổ ông này.

lopez_copy.jpg
Người biểu tình Venezuela ngăn chặn ông Lopez lên xe của lực lượng an ninh (Ảnh Reuters)

“Tôi giao nộp mình cho một hệ thống pháp luật rất bất công. Hy vọng rằng việc tôi bị giam giữ sẽ thức tỉnh mọi người”, ông Lopez nói với những người biểu tình khi đang đứng cạnh bức tượng của nhà thơ và anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti.

Đám đông sau đó đã nâng vợ ông Lopez lên cao để ôm chồng mình lần cuối và đeo vào cổ ông cây thánh giá.

Vài phút sau, ông đã một tay giơ cao nắm đấm một tay cầm lá cờ và một bông hoa trắng bước lên một chiếc xe quân sự đưa ông đi giam giữ.

Ông Lopez sau đó đã truyền đi tuyên bố của mình cho người dân Venezuela thông qua một đoạn video được ghi hình sẵn đăng trên trang Twitter của ông trong đó ông kêu gọi người biểu tình tiếp tục đấu tranh.

“Nếu các bạn nhìn thấy đoạn video này thì có lẽ tôi đã bị lực lượng an ninh Venezuela bắt giữ vì dám mơ về một Venezuela tốt đẹp hơn”, ông Lopez nói.

Sau đó đoạn video tiếp lời vợ ông Lopez: “Venezuela hơn bao giờ hết cần quyết tâm thay đổi từ các bạn. Nhưng quyết tâm này không thể chỉ là những nời nói suông”.

Người biểu tình phản đối việc ông Lopez bị bắt giữ (Ảnh Reuters)

Những người biểu tình sẽ tiếp tục tuần hành trong ngày hôm nay (19/2) bên ngoài tòa án nơi ông Lopez dự kiến sẽ tham gia phiên xét xử đầu tiên về tội giết người và khủng bố. Ông Lopez sẽ trải qua đêm đầu tiên bị giam giữ trong một nhà tù quân sự.

Trong khi đó, các lực lượng chống báo động sẽ vẫn hiện diện khắp các con phố ở thủ đô Caracas trong bối cảnh người biểu tình tiếp tục đốt các thùng rác và lốp xe, một hình ảnh đã rất quen thuộc trong nhiều tuần qua tại đây.

Thương vong vẫn tiếp diễn trên đường phố

Trước đó, tại thị trấn ven biểnCarupano ở phía đông Venezuela, người dân địa phương cho biết một sinh viên 17 tuổi đã bị chết sau khi bị một chiếc xe đâm trong một cuộc biểu tình của chống Chính phủ.

Những người biểu tình chống Chính phủ đã cáo buộc một người ủng hộ Chính phủ đã đâm chết cậu sinh viên Jose Ernesto Mendez. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào được ra liên quan đến cáo buộc này.

Người dân địa phương tại đây cũng cho biết ba người biểu tình khác cũng đã bị thương trong vụ đụng độ trên. Trong đó có một người bị thương nặng.

“Tinh thần Chavez vẫn sống mãi!”

Những cuộc biểu tình do các sinh viên khởi xướng trên khắp cả nước đã trở thành một thách thức lớn nhất đối với ông Maduro kể từ khi ông thắng cử vào năm ngoái sau khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời.

Họ đã yêu cầu ông Maduro phải từ chức vì một loạt các vấn đề như lạm phát tăng cao, gia tăng tội phạm và tham nhũng.

“Tình hình trong nước là rất bất ổn. Chính phủ đã lộ bộ mặt thật của mình. Ông Maduro đã nắm quyền được 10 tháng và Venezuela đã suy yếu nghiêm trọng”, nhà làm phim Jose Sahagun, 47 tuổi cho biết.

Trong khi đó, hàng ngàn công nhân dầu mỏ và những người ủng hộ ông Madduro mặc áo đỏ của Đảng Xã hội cầm quyền cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình tại Caracas vào ngày 18/2.

Những người ủng hộ ông Hugo Chavez vẫn bày tỏ lòng trung thành đối với ông Maduro bất chấp việc họ vẫn không ngừng so sánh ông với người tiền nhiệm đã rất nổi tiếng của mình.

Rất nhiều người Venezuela lo sợ rằng nếu đảng Xã hội mất quyền lực thì chương trình hỗ trợ giá dầu mà ông Chavez khởi xướng cũng sẽ không được tiếp tục thực hiện./.