Đúng như kế hoạch đã công bố trước đó, sáng nay, phe biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan bắt đầu chiến dịch “đóng cửa” thủ đô Bangkok nhằm phong tỏa các nút giao thông quan trọng, làm tê liệt thủ đô và gây áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Trước diễn biến căng thẳng và khó lường, cảnh sát và quân đội đều được đặt trong tình trạng cảnh giác cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hoạt động của phe đối lập vẫn diễn ra trong hòa bình. 

nguoi%20bieu%20tinh%20thai%20lan%20phong%20toa%20cua%20nut%20giao%20thong.jpg
Người biểu tình phong tỏa các nút giao thông quant trọng ở Bangkok (ảnh: Getty Images)

Ngay từ sáng sớm nay, 7 nút giao thông quan trọng tại Bangkok nằm trong kế hoạch đóng cửa thủ đô của người biểu tình đều đã bị phong tỏa bằng các bao cát và rào chắn. Ngoài 7 địa điểm bị phong tỏa theo kế hoạch trước đó, địa điểm phong tỏa thứ 8 cũng được người biểu tình thiết lập tại khu vực phía Đông tòa nhà chính phủ, gần giao lộ Vibhavadi Rangsit.

Việc phong tỏa đã được phe biểu tình chống chính phủ bắt đầu thực hiện từ chiều qua, sớm hơn kế hoạch 12 giờ. Rất nhiều tiếng còi hú cùng với loa phát thanh và cờ Thái Lan và tràn ngập Bangkok. Những đoàn xe của người biểu tình đã tỏa đi tới 7 điểm giao thông quan trọng, cũng như 20 tuyến đường chính nhằm gây áp lực buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức và dọn đường cho cải cách chính trị.

Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ cũng tổ chức tuần hành tại một số nút giao thông quan trọng, trong ngày đầu tiên đóng cửa thủ đô. Một người biểu tình cho biết: “ Chúng tôi sử dụng biện pháp này vì muốn chính phủ lắng nghe tiếng nói của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiến hành cải cách ở Thái Lan.”

Theo tờ Bưu điện Bangkok, động thái trên của người biểu tình đã khiến cho dịch vụ xe buýt trong thành phố phải tái định tuyến và cảnh sát phải thiết lập các chốt gần 7 địa điểm biểu tình chính. Trong đợt "phong tỏa" thủ đô kể từ hôm nay, cảnh sát dự tính sẽ có khoảng 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm cứu hỏa bị ảnh hưởng. Vì lý do an toàn, nhiều trường học đã quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Trong tình huống bất ổn dâng cao, chính quyền sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp. Hiện chính quyền đã định huy động khoảng 20 nghìn cảnh sát và binh sĩ giữ gìn an ninh trật tự.

Phó Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Phongthep Thepkanjana cho biết: “Tất nhiên là sẽ xảy ra một số ùn tắc giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát của chúng tôi sẽ hướng dẫn giao thông thông suốt và các tuyến đường chính dẫn đến sân bay, đường cao tốc sẽ vẫn được lưu thông.”

Trong khi đó, phe áo đỏ, những người ủng hộ chính phủ cũng đang kêu gọi một cuộc tuần hành lớn vào ngày hôm nay. Những người ủng hộ chính phủ có kế hoạch tuần hành tại 50 tỉnh trên toàn Thái Lan, ngoại trừ thủ đô và khu vực miền Nam, song sẽ tránh các cuộc đối đầu trực tiếp và đụng độ với phe đối lập. Một người dân ủng hộ các cuộc bầu cử cho biết:

“Chúng tôi muốn được hưởng các quyền lợi cơ bản của một người dân Thái Lan. Chúng tôi muốn bầu cử, bởi đây là quyền lợi cơ bản cho tất cả mọi người.”

Trước tình hình khá căng thẳng và khó lường, Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha sáng 13/11 đã triệu tập cuộc họp với các quan chức cấp cao quân đội Thái Lan, trong một nỗ lực nhằm giám sát chặt chẽ những diễn biến xảy ra trong ngày hôm nay. Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đề nghị quân đội làm trung gian đàm phán giữa chính phủ và những người biểu tình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Bà khẳng định sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền để xúc tiến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới, mở đường cho công cuộc cải cách đất nước./.