Mối quan hệ Mỹ và Iran sóng gió trong 1 năm qua, với việc Mỹ liên tiếp áp đặt trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Iran. Từ việc tái áp đặt trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu dầu của Iran, đến việc liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế.

trump_rohani_lcix.jpg
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rohani. Ảnh: CNN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn phản đối việc Mỹ áp đặt cái gọi là 'trừng phạt đơn phương' và 'quyền tài phán dài hạn'” của Mỹ. Hợp tác của Trung Quốc với các công ty Iran là công khai, minh bạch, hợp lý và hợp pháp, và cần được tôn trọng. Để bảo vệ các quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc, Chúng tôi sẵn sàng đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng để thúc đẩy sự ổn định của thị trường năng lượng quốc tế”.

Nhiều nước đồng minh châu Âu cũng chỉ trích bước đi của Mỹ và đang nỗ lực bảo vệ Iran trước các đòn trừng phạt.  Mặc dù vậy, nền kinh tế Iran cũng đang chứng kiến những tác động lớn, với dự đoán có thể  giảm 6% trong năm nay, sau khi giảm gần 4% vào năm ngoái. Đồng nội tệ của Iran cũng mất hơn 57% giá trị so với đồng USD và trên thị trường chợ đen. Giá cả nhiều mặt hàng tại Iran cũng tăng mạnh thời gian qua. Không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran, bước đi đơn phương của Mỹ cũng tác động lớn đến các nước xuất và nhập khẩu dầu của Iran cũng như thị trường năng lượng thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nước xuất khẩu dầu như Venezuela và Libya đang đối mặt với khủng hoảng.

Người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn năng lượng SVB Sara Vakhshouri nhận định: “Mỹ có thể thay thế dầu của Iran? Chắc không thể, bởi vì chất lượng dầu khác nhau. Dầu thô Iran là nặng và dầu thô Mỹ là nhẹ. Phù hợp nhất để thay thế dầu thô Iran đó là dầu của Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Mỹ muốn Saudi Arabia thay thế nguồn cung dầu của Iran, nhưng nếu có bất cứ sự kiện lớn nào xảy ra thì thị trường thế giới sẽ đối mặt với khó khăn, khi đó tác động lớn đối với giá dầu”.

Đối phó với biện pháp trừng phạt của Mỹ nhưng trong 1 năm qua Iran vẫn lựa chọn cách tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận hạt nhân đã kí với các cường quốc, hợp tác với các đối tác châu Âu. Tuy vậy, tình hình dự kiến sẽ leo thang đúng thời điểm tròn 1 năm Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với việc cả hai bên đang biến từ “khẩu chiến” thành “hành động”.

Mỹ tuyên bố triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông. Đây được xem là thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ gửi tới Iran, với khẳng định bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những lợi ích và đồng minh của Mỹ sẽ đều sẽ bị đáp trả. 

Trong khi đó, truyền thông Iran hôm qua đưa tin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày mai có thể thông báo các kế hoạch từng bước trả đũa Mỹ, bao gồm giảm bớt một phần hoặc cắt giảm hoàn toàn một số cam kết của Iran, cũng như khởi động lại những hoạt động hạt nhân từng bị đình chỉ trong khuôn khổ Thỏa thuận hạt nhân. Đây sẽ là bước đi đầu tiên của Iran hướng tới đáp trả việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân, cũng như sự thất bại của các quốc gia châu Âu trong việc thực thi các cam kết.

Trước nguy cơ Thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ, Chuyên gia Clement Therme thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế tại Mỹ nhận định, Iran đang cần châu Âu và Thỏa thuận hạt nhân tồn tại phụ thuộc nhiều vào bước đi của các quốc gia này. Châu Âu cần phải cứng rắn và mạnh mẽ hơn nữa trong việc giúp đỡ Iran chống lại sức ép của Mỹ. Tình hình hiện nay cũng đòi hỏi Iran cần duy trì đối thoại chính trị với châu Âu để ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và châu Âu phối hợp hành động chống lại nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này./.