Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg - 2022 đang diễn ra tại thủ đô Phương Bắc của Nga và nhân kỷ niệm 25 năm tổ chức sự kiện, Ai Cập là quốc gia khách mời chính. Theo kế hoạch, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi sẽ phát biểu qua cầu truyền hình tại phiên họp toàn thể vào ngày 17/6. Ai Cập cũng tổ chức gian trưng bày quốc gia và cử đoàn đại biểu gồm gần 50 đại diện, dẫn đầu là Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Navin Gamia. Tại diễn đàn sẽ có các cuộc thảo luận, trao đổi, ký kết các thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giữa Nga và châu Phi; hợp tác kinh tế giữa Nga và Ai Cập.
Trong báo cáo "Nga và Ai Cập: quỹ đạo hợp tác” do Quỹ Roscongress cùng với nhóm tác giả của Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi thuộc Đại học nghiên cứu quốc gia - Đại học kinh tế Cao cấp và Trung tâm Hội nhập và Thương mại Quốc tế chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg lần thứ XXV, chỉ ra rằng, trong trung hạn, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển thương mại và đầu tư giữa Moscow và Cairo là việc tạo ra các hành lang hậu cần bền vững từ Nga và EAEU đến Ai Cập, bao gồm cả việc tiếp cận thị trường Đông Phi.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi Andrei Maslov cho biết, Ai Cập chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc quan hệ kinh tế đối ngoại của Nga, và cuộc đối thoại trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg sẽ không chỉ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau mà còn vạch ra những con đường xa hơn, phát triển các cơ chế và công cụ hợp tác mới.
Ai Cập đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Trong tháng 3 năm nay, một cuộc điện đàm đã diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, trong đó các bên thảo luận về việc triển khai các dự án chung lớn trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng hạt nhân. Các chuyên gia Nga và Ai Cập đều lưu ý rằng, mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hợp tác song phương, nhưng tiềm năng phát triển và mở rộng quan hệ kinh tế Nga-Ai Cập là rất lớn.
Các triển vọng mới sẽ được mở ra nhờ tự do hóa thuế quan (chủ yếu từ phía Nga và EAEU) và các hạn chế phi thuế quan (trước hết từ phía Ai Cập). Nhiệm vụ quan trọng trong những năm, thậm chí những tháng tới là tìm giải pháp cải thiện hệ thống thanh toán lẫn nhau, đưa thương mại thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD. Thặng dư thương mại lẫn nhau phát triển có lợi cho Nga trong tương lai có thể góp phần làm tăng nhu cầu đối với đồng rúp từ Ai Cập và tích lũy đồng bảng Ai Cập của các nhà xuất khẩu Nga. Đổi lại, những khoản tiền này có thể được sử dụng để đầu tư vào các dự án chung ở Ai Cập, có thể nhiều hơn đáng kể so với hiện tại.
Cuối năm 2021, thương mại giữa Nga và Ai cập đã lên tới 4,8 tỷ USD (đỉnh cao là vào năm 2018, đạt 7,6 tỷ USD). Nhập khẩu từ Ai Cập sang Nga năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử thương mại song phương - 0,59 tỷ USD. Ai Cập chủ yếu cung cấp trái cây và rau quả cho Nga.
Ai Cập, cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Belarus và Iran là những nhà nhập khẩu chính thực phẩm của Nga. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Nga sang các nước này chủ yếu là ngũ cốc - chiếm 37% tổng khối lượng, đồng và các sản phẩm từ đồng - 10%, gỗ và các sản phẩm từ gỗ - 9%.
Nga cũng đang triển khai một số dự án mang tính bước ngoặt ở Ai Cập. Do đó, Rosneft đã đầu tư vào việc phát triển mỏ Zohr, mỏ then chốt để cung cấp khí đốt cho hệ thống năng lượng Ai Cập. Năm 2017, Transmashholding đã giành được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử đường sắt Ai Cập về việc cung cấp các toa hành khách với số tiền 1 tỷ euro.
Ai Cập là đối tác quan trọng của Nga ở cả châu Phi và Trung Đông. Các liên hệ chính trị chặt chẽ và hợp tác kinh tế, thương mại cùng có lợi đã được thiết lập với quốc gia này. Vai trò chiến lược của Ai Cập trong chính sách đối ngoại của Nga còn được xác định bởi vị trí địa lý, nhờ đó, nước này đóng vai trò là một trung tâm hậu cần và đầu tư quan trọng. Quan hệ đối tác với Ai Cập trong tương lai có thể cho phép Nga củng cố vị thế của mình không chỉ ở Trung Đông và Bắc Phi, mà còn ở châu Phi cận nhiệt đới./.