Nếu thành công, thoả thuận hoà bình được ký sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 18 năm qua ở quốc gia Tây Nam Á này và đưa quân đội Mỹ về nước.

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, hay còn gọi “thỏa thuận giảm bạo lực” trong vòng một tuần, bắt đầu có hiệu lực từ 2h30 phút sáng nay (theo giờ Hà Nội). Nếu thực hiện thành công, lễ ký thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ diễn ra vào ngày 29/2 tới, qua đó giúp chấm cuộc xung đột kéo dài nhất của nước Mỹ.

800_15817700790382017694339_bdpp.jpg
Lực lượng Taliban. (Ảnh minh họa: AP)

Sau khi thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban được ký kết, các cuộc đàm phán giữa tất cả các phe phái Afghanistan sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày và có thể dẫn đến việc thành lập một chính phủ mới ở Afghanistan. Bên cạnh đó, Taliban cam kết không để các nhóm khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan tấn công Mỹ và các đồng minh; binh sỹ Mỹ, quân đội các nước sẽ rút dần khỏi quốc gia Tây Nam Á này theo giai đoạn và hoàn tất sau 18 tháng.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad và đại diện Taliban sẽ ký thỏa thuận hòa bình tại Thủ đô Doha (Qatar) và cuối cùng sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, kế hoạch này được xem là một canh bạc đối với Tổng thống Donald Trump. Nếu kế hoạch thành công, ông Donald Trump có thể tuyên bố đã thực hiện bước đầu tiên trong cam kết vận động tranh cử năm 2016 là đưa quân đội Mỹ về nước. Nhưng nếu thất bại, Tổng thống Donald Trump có thể bị các đối thủ đảng Dân chủ lên án là sẵn sàng hy sinh an toàn của các binh sỹ và lợi ích của nước Mỹ vì mục đích chính trị cá nhân.

Đối với , việc hoàn thành thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ và tiến hành đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan sẽ giúp lực lượng này có cơ hội hợp pháp hóa quốc tế, điều mà họ không có trong giai đoạn điều hành đất nước trước đây.

Thỏa thuận ngừng bắn lần này, có thể sẽ rất mong manh và giới chức Mỹ đã lưu ý đến khả năng “những kẻ phá hoại”, vốn không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình phá vỡ. Do đó, việc xác định lực lượng nào phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công tiềm tàng trong 7 ngày tới là rất quan trọng./.