Nội các an ninh Israel vừa nhất trí kéo dài lệnh ngừng bắn với phong trào vũ trang Hamas của Palestine thêm 24 giờ nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo tại Gaza.

Theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, Nội các an ninh Israel quyết định lệnh ngừng bắn sẽ được kéo dài tới hết ngày 27/7 (theo giờ địa phương), nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo tại dải Gaza.

israel_xwbe.jpgCảnh sát Israel điều tra hiện trường một ngôi nhà bị Hamas tấn công ở Dải Gaza (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, người phát ngôn của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tuyên bố bác bỏ đề xuất gia hạn thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo vì không đáp ứng những đòi hỏi của lực lượng này.

Hamascho rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nhân đạo nào cho đến nay đều không bao gồm việc Israel rút lực lượng khỏi dải Gaza, không cho phép người dân Gaza trở về nhà và chăm sóc người bị thương. Các lệnh ngừng bắn như vậy đều "không thể chấp nhận được".

Trong lúc này, một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn giữa Israel và Hamas càng trở nên cấp thiết khi trong chiến dịch kéo dài suốt 19 ngày qua của Israel đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.000 người Palestine.

Các quan chức y tế dải Gaza cho biết, trong 12 giờ diễn ra lệnh ngừng bắn, họ phát hiện thi thể của ít nhất 147 người bên trong hàng trăm căn nhà bị đạn pháo phá hủy ở Gaza. Phía Israel cũng có 43 binh sỹ thiệt mạng trong cuộc xung đột đẫm máu này.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án hành động quân sự gây thương vong cho dân thường, đồng thời gây sức ép để các bên chấm dứt thù địch.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/7 với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Garcia-Margallo mô tả tình hình tại dải Gaza hiện nay là “không thể chấp nhận được”, đồng thời thúc giục các bên đàm phán để sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

“Tôi đồng ý với Ngoại trưởng Ai Cập rằng những gì đang xảy ra tại dải Gaza là không thể chấp nhận được. 1.000 người đã bị thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Điều này khiến toàn thể nhân loại phải đau lòng và quốc tế kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt bạo lực ngay lập tức với hy vọng mở ra cơ hội mới để tiếp tục đàm phán, vì an ninh của Israel và cuộc sống của người Palestine”, ông Shoukry nói.

Pháp ngày 26/7 cũng đã chủ trì một cuộc họp ngoại trưởng 7 nước châu Âu, Trung Đông và Mỹ tại thủ đô Paris để phối hợp các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể giữa Israel và Hamas.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp này bày tỏ hy vọng về việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn tại Gaza: “Như tôi đã nói, người Palestine cần được sống trong tự do, không bạo lực, hàng hóa được lưu thông, họ cần được thoát khỏi cảnh bị kiềm chế hiện nay. Cùng với đó, người Israel cũng cần được sống tự do và không bị đe dọa từ các vụ bắn rocket, từ các đường hầm. Những lợi ích này là thực tế đối với cả hai bên và chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này thông qua các cuộc đối thoại”.

Các nhà phân tích nhận định rằng, một trong những lý do dẫn đến căng thẳng leo thang là qua các vụ bắn rocket vào lãnh thổ Israel, phong trào Hamas muốn đặt điều kiện để nới lỏng thế bao vây, phong tỏa của Israel khiến nền kinh tế của dải Gaza ngày càng trở nên kiệt quệ.

Sau khi mất đi đồng minh quan trọng do sự sụp đổ của chính quyền tổ chức Anh em Hồi giáo" tại Ai Cập, lực lượng Hamas bị mất nguồn hỗ trợ khi chính quyền mới của Ai Cập cùng Israel siết chặt an ninh biên giới với dải Gaza, cắt đứt nguồn thu quan trọng của phong trào này.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự "Bảo vệ biên giới" của Israel không chỉ để trả đũa và ngăn chặn các vụ nã rocket mà còn nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng quân sự của Hamas và xa hơn là loại cánh vũ trang đang kiểm soát dải Gaza này ra khỏi đời sống chính trị ở Trung Đông.

Do đó, Israel thậm chí đã không đặt ra một giải pháp ngoại giao khi mở chiến dịch quân sự ở dải Gaza.

Sự đối địch và những mục tiêu khác nhau của cả hai phía khiến cho triển vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trở nên khó khăn và như vậy người dân ở Gaza lại tiếp tục phải sống trong cảnh bạo lực và họ là nạn nhân chính của cuộc xung đột./.