Trang Press TV ngày 5/12 dẫn lời nhà phân tích chính trị quốc tế - Tiến sĩ Ismail Salami, chuyên viết về Mỹ và các vấn đề Trung Đông cho rằng, việc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cương quyết từ chối ký thỏa thuận an ninh với Mỹ - cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Afghanistan sau năm 2014 đã cho thấy một thông điệp rõ ràng từ nhà lãnh đạo này: Afghanistan không còn cần đến quân đội Mỹ trên mảnh đất của mình.

binh-si-my.jpg
Người dân Afghanistan không còn cần tới sự hiện diện của các lực lượng Mỹ? (Ảnh minh họa, nguồn AFP/Getty)

Không như các tuyên bố từ phía Mỹ lý giải sự hiện diện của quân đội Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho Afghanistan, trong tính toán về sự an toàn cũng như ổn định cho đất nước Afghanistan trong tương lai của Tổng thống Karzai, “đôi giày của người Mỹ đã bị đặt bên ngoài bậc cửa Afghanistan” (hàm ý không còn cần đến sự hiện diện của quân đội Mỹ - BTV). 

Trái ngược với các tuyên bố của Mỹ, sự hiện diện của quân đội nước này không chỉ mang tới sự bất an cho người dân Afghanistan mà cho toàn bộ khu vực. Trong số 84.000 binh sĩ NATO có mặt tại Afghanistan, người Mỹ chiếm đa số.

Trong một giọng điệu được cho là rõ ràng để đánh giá thấp uy thế của Tổng thống Afghanistan Karzai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 3/12 nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan có thể thay thế Chính phủ nước này ký thỏa thuận an ninh song phương giữa hai nước. Thỏa thuận này sẽ xác định rõ số lượng binh sĩ Mỹ có thể ở lại Afghanistan sau thời điểm 2014. Thêm vào đó, thỏa thuận này còn cho phép binh sĩ Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp Afghanistan, yếu tố chính cản trở việc ký kết.

Trước đó, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã bác bỏ một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận an ninh, cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tự do tiến hành các chiến dịch quân sự ở Afghanistan và nói rằng đó là một hành động gây hấn. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ đang gây rối trật tự ở Afghanistan khi họ can thiệp vào các công việc của cảnh sát và quân đội nước này. Gần đây, ông Karzai trong một tuyên bố cũng đã lên án các lực lượng Mỹ-NATO đang gây áp lực buộc ông phải ký thỏa thuận an ninh. 

"Hành động này là trái với các cam kết trước đó của Mỹ" tuyên bố của ông Karzai nêu rõ. "Lực lượng Afghanistan đang phải đối mặt với việc gián đoạn các hoạt động, hậu quả của việc ngừng cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ hỗ trợ”. "Từ thời điểm này trở đi, các hoạt động lục soát nhà ở, ngăn chặn giao thông và đường phố cũng như các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc. Người dân Afghanistan được hoàn toàn tự do trên đất nước mình”, ông Karzai tuyên bố. "Nếu Mỹ dám đột kích nhà dân một lần nữa, thỏa thuận này sẽ bị dừng ngay lập tức”, Tổng thống Karzai nói với đại sứ Mỹ, James B. Cunningham trong một cuộc hội kiến.

Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan cũng có thể đại diện ký Thỏa thuận an ninh, ông Hamid Karzai mới đây tuyên bố không cho phép bất kỳ vị Bộ trưởng nào trong Chính phủ của ông được phép ký thỏa thuận gây tranh cãi này (Ảnh minh họa, nguồn Press TV)

Ngay sau khi lên tiếng trì hoãn việc ký thỏa thuận an ninh, ông Karzai đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ chính giới Mỹ và phương Tây. Một quan chức cấp cao của Mỹ thậm chí còn cảnh báo rằng Afghanistan cuối cùng sẽ đánh mất sự hỗ trợ quốc tế trên toàn cầu nếu ông Karzai vẫn “ngoan cố” trì hoãn. 

Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama cho rằng, ông Karzai đang "liều lĩnh, mạo hiểm” khi lựa chọn một tương lai không có Mỹ và lực lượng đồng minh ở lại Afghanistan sau năm 2014. "Tôi nghĩ rằng đó là lựa chọn thiếu thận trọng đối với tình hình Afghanistan, và sự lựa chọn đó cũng ảnh hưởng xấu đến việc Mỹ có thể lên một kế hoạch mạch lạc và toàn diện sau năm 2014", ông Donilon nói với ABC News. Dianne Feinstein, một thượng nghị sĩ Dân chủ cấp cao, đã mô tả Tổng thống Afghanistan là một người “tầm thường, vô giá trị". 

Tuy nhiên phía Iran cho rằng, thỏa thuận an ninh của Afghanistan với Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng với Mỹ bởi nó đảm bảo cho sự thành công cho hoạt động của quân đội, tình báo Mỹ trong khu vực trong tương lai. Đó là lý do tại sao Iran đã phản ứng tiêu cực đối với thỏa thuận này. Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Iran không tin rằng thỏa thuận an ninh có lợi cho chính phủ và người dân Afghanistan. Nếu thỏa thuận được ký kết, sẽ cho phép Mỹ duy trì 9 căn cứ quân sự thường trú tại Afghanistan, gần biên giới Trung Quốc, Pakistan, Iran và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan. 

Trước tình thế này, áp lực đang đè nặng lên chính phủ non yếu của Afghanistan và người Mỹ dường như tìm kiếm một cái gì đó nhiều hơn một sự hiện diện tuyệt đối tại quốc gia đã quá mệt mỏi vì chiến tranh. Xét trên lợi ích của người Mỹ, bản thỏa thuận có thể đáp ứng những mục tiêu lâu dài cho hoạt động quân sự và tình báo trong khu vực./.