“Việc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cương quyết trì hoãn ký kết thỏa thuận an ninh với Mỹ đã làm xói mòn niềm tin vào tương lai của Afghanistan, thử thách sự ủng hộ của quốc tế cho đất nước trong thời điểm rất quan trọng”, Tư lệnh lực lượng NATO tại Afghanistan - Tướng Joseph Dunford nêu rõ.

Rủi ro về an ninh

Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford cảnh báo sự thất bại của Tổng thống Hamid Karzai nếu ông không nhanh chóng ký kết thỏa thuận an ninh với Mỹ có thể làm suy yếu nền kinh tế Afghanistan, làm cho các nước láng giềng có thể tận dụng thời cơ làm suy yếu lực lượng an ninh nước này.

joseph-dunford.jpg
Tư lệnh lực lượng NATO tại Afghanistan - Tướng Joseph Dunford (Ảnh: AFP/Getty)

Trả lời phỏng vấn The Wall Street, Tướng Dunford nói: "Từ quan điểm của Afghanistan, ông ấy chắc chắn phải hiểu rõ những rủi ro ấy. Tôi cũng không rõ ông ấy có nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc rằng Afghanistan cũng sẽ phải chịu những tác động tiêu cực từ phía Mỹ".

“Việc trì hoãn ký kết thỏa thuận an ninh tạo cơ sở cho sự hiện diện của lực lượng NATO ở Afghanistan sau thời hạn tháng 12/2014, sẽ gây ra thiệt hại lớn đối với Afghanistan”, Tướng Dunford cho biết.

“Việc không chắc chắn và thiếu tin tưởng vào triển vọng sau năm 2014 đã gây ra những ảnh hưởng xấu tới người dân Afghanistan, có thể là lý do để những người trẻ rời bỏ đất nước, đồng tiền và bất động sản của đất nước cũng mất giá”, Tướng Dunford nói tiếp.

Căng thẳng có nguy cơ leo thang một lần nữa khi vào cuối ngày 28/11, một cuộc không kích của lực lượng NATO ở tỉnh tây nam Helmand khiến 1 trẻ em thiệt mạng và 2 phụ nữ bị thương.

Ông Karzai lên án lực lượng NATO là nguyên nhân dẫn tới sự chết chóc, khổ đau của dân thường Afghanistan, đồng thời khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải nhằm vào mục tiêu ngăn chặn lực lượng Mỹ và quốc tế gây hại tới người dân Afghanistan. 

Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do Mỹ đứng đầu trong một tuyên bố thừa nhận, lực lượng liên quân đã tiến hành một cuộc truy quét quân nổi dậy ở tỉnh Helmand hôm 28/11. Tuyên bố của ISAF cũng nêu rõ: “Chúng tôi nhận thức rất rõ về thương vong dân sự do ảnh hưởng hoạt động của ISAF".

Không có thỏa thuận an ninh - không có tiền

Ngoài việc cung cấp một “khung pháp lý” cho sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở Afghanistan, thỏa thuận an ninh song phương còn là một điều kiện tiên quyết cho khoản viện trợ trị giá hàng tỷ USD về quân sự và dân sự quan trọng đối với Afghanistan. Mặc dù Hội đồng Trưởng lão (Loya Jirga) yêu cầu nhanh chóng phê chuẩn, nhưng phát biểu tại phiên bế mạc cuộc họp của Hội đồng Trưởng lão, ông Karzai đưa ra những yêu cầu trước khi ký thỏa thuận, đó là binh lính Mỹ phải chấm dứt các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Afghanistan, hợp tác với nước chủ nhà trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4/2014, và hợp tác cả trong những nỗ lực kiến tạo hòa bình với Taliban.

Đáp lại, Nhà Trắng cảnh báo rằng thất bại trong việc ký thỏa thuận vào cuối năm nay sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Afghanistan vào cuối năm tới.

Quan hệ giữa Afghanistan và Mỹ đang xấu đi sau khi Tổng thống Karzai trì hoãn ký thỏa thuận an ninh song phương (Ảnh chụp từ clip, nguồn WSJ)

Sự thất bại trong cuộc đàm phán tương tự với Iraq đã dẫn tới việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Iraq năm 2011, cùng với đó là tình trạng bạo lực phe phái gia tăng. Tướng Dunford tin tưởng ông Karzai cuối cùng sẽ ký thỏa thuận, và thỏa thuận đó sẽ cho phép NATO duy trì lực lượng ở Afghanistan sau năm 2014.

Trong khi Iraq có thể dựa vào dầu mỏ để đầu tư cho lực lượng an ninh, Afghanistan chỉ có thể phụ thuộc vào cam kết của quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Chicago năm 2012 với khoản tài trợ 4 tỷ USD cho quân đội nước này, trong đó Mỹ sẽ chi 3 tỷ, phần còn lại do các thành viên NATO đảm nhận. "Ngay bây giờ, tôi chưa thấy Afghanistan có bất cứ khả năng nào để duy trì các lực lượng an ninh Afghanistan mà không có cam kết Chicago", Tướng Dunford cho biết.

Tướng Dunford cho rằng: “Sự trì hoãn của ông Karzai đang làm cho phương Tây mất dần sự kiên nhẫn. Mỹ và các đồng minh NATO sẽ khó có thể đồng thuận thực hiện những lời hứa nếu thỏa thuận an ninh “bị sa lầy”.

Các đại sứ phương Tây trong tuần sẽ tham dự một cuộc gặp ở Kabul với các thành viên cao cấp trong nội các Afghanistan để chuyển thông điệp tương tự: Sẽ không có các khoản tiền cam kết của các nhà tài trợ nếu không có một thỏa thuận an ninh.

Bộ trưởng Tài chính Omar Zakhilwal thừa nhận các cuộc thảo luận, nhưng nói với tờ Wall Street rằng, việc trì hoãn ký kết thỏa thuận an ninh song phương (BSA) "không phải là một vấn đề nghiêm trọng".

"Đó là cách chúng tôi quản lý để tạo ra môi trường để ký BSA, và môi trường sẽ được tạo ra. Quan điểm của Tổng thống Karzai không phải là ông từ chối BSA", ông Zakhilwal nói.  "Tôi lạc quan về việc ký kết của BSA trong thời gian tới bởi vì các biện pháp xây dựng lòng tin theo yêu cầu của Tổng thống là hợp lý và có lợi cho cả hai bên, và không khó khăn như nó được miêu tả", Bộ trưởng Tài chính Omar nhấn mạnh.

Giới chức phương Tây cho rằng, với các phần tử nổi dậy Taliban được Pakistan và Iran hậu thuẫn, việc trì hoãn ký kết BSA có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp trên chiến trường,

"Việc không chắc chắn về năm 2014 là do ảnh hưởng bởi những yếu tố khu vực xung quanh Afghanistan", Tướng Dunford cho biết. "Và nếu tính toán của họ là chuẩn bị để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh Afghanistan hỗn loạn vào năm 2014, tôi nghĩ rằng các tính toán sẽ khác nhau nếu những gì họ chứng kiến là một viễn cảnh hợp lý cho một đất nước Afghanistan vững vàng, ổn định"./.