Không chỉ là những lời hứa suông, Tổng thống Erdogan trong tuần đã kí quyết định cho phép triển khai binh sĩ tới Qatar, đồng thời đồng ý huấn luyện cho lực lượng cảnh sát Qatar.
Đây là những bước đi mạnh mẽ nhất thế hiện sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh thân cận Qatar trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh nổ ra.
Phát biểu trong cuộc gặp với thành viên đảng Công lý và Phát triển (AKP), Tổng thống Erdogan kêu gọi xóa bỏ các lệnh phong tỏa nhằm vào Qatar. Ông Erdogan cũng hối thúc chính quyền Saudi Arabia hành động dựa trên tình hữu nghị chứ không phải thù hận.
“Sẽ có những người không thấy thoải mái khi chúng tôi luôn sát cánh cùng người anh em Qatar, cung cấp cho họ thực phẩm thuốc men. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Qatar. Tôi nghĩ chúng ta cần phải dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt và phong tỏa. Điều này không thể xảy ra giữa những người anh em”, ông Erdogan nói.
Là một quốc gia vốn có mối quan hệ tốt đẹp với cả Qatar cũng như một số nước láng giềng Arab ở vùng Vịnh nên khi khủng hoảng nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ có tuyên bố khá trung lập, kêu gọi các bên đối thoại để giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, bất đồng tại Trung Đông leo thang nhanh chóng những ngày qua và đang kéo theo nhiều quốc gia vào vòng xoáy nguy hiểm, với việc hàng loạt quốc gia Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar.
Vì vậy, là một đồng minh gần gũi, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức bằng những hành động cụ thể của mình thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn với Qatar, với việc phê chuẩn hai thỏa thuận triển khai quân tới Qatar và đào tạo các lực lượng an ninh cho nước này.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Can Kasapoglu, bứớc đi của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nhấn mạnh mối quan hệ quốc phòng với Qatar là một trụ cột không thể thiếu trong vị trí chiến lược khu vực, đồng thời khẳng định tầm nhìn dài hạn của nước này sẽ không thay đổi đối với những biến động trong khu vực.
Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar vốn ở đó từ lâu và mang tính tượng trưng nhiều hơn. Tăng cường sự hiện diện quân sự tại Qatar vào thời điểm này là một nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trấn an Qatar.
Thực tế việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Qatar là điều dễ hiểu, vì nước này vốn có mối quan hệ chặt chẽ thời gian qua. Đánh giá của tờ Aljazeera, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là hai quốc gia có cùng “chiến tuyến” trong nhiều diễn biến và xung đột khu vực.
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên án cuộc đảo chính quân sự tại Ai Cập, từ chối xếp Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập và Hamas là các tổ chức khủng bố. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ lực lượng đối lập đang chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như có “chiến lược cân bằng” tương tự nhau trong mối quan hệ với Iran.
Sự gắn bó chặt chẽ giữa hai nước thời gian qua cũng được thể hiện qua các tuyên bố ủng hộ chính trị lẫn nhau, đặc biệt sau cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, ủng hộ hoàn toàn cho Qatar không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng gạt bỏ mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế và chính trị với Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đến Qatar cũng không nên bị đánh giá là Thổ Nhĩ Kỳ đang chọn về phía nào trong bất đồng ngoại giao Vùng Vịnh.
Thổ Nhĩ Kỳ không muốn ai thắng trong cuộc xung đột có thể làm chia rẽ Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh này. Vì vậy, nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để giúp các nước giải quyết bất đồng, cũng như kêu gọi GCC nhanh chóng giải quyết những vấn đề nội bộ và thể hiện sự đoàn kết trước thế giới./.
Căng thẳng giữa Qatar và các nước Arab có thể dẫn đến chiến tranh