Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "Nhành Ôliu" chống lại lực lượng dân quân người  Kurd tại khu vực Afrin của Syria, khi tuyên bố sắp khởi động “giai đoạn mới” trong chiến dịch quân sự này. 

010318_turkish_soldiers_syria_vwwl.jpg
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại một chốt gác ở Afrin hôm 29/1/2018. Ảnh: AFP

Bất chấp sự phản đối kịch liệt từ chính quyền Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn một mực khẳng định, mục đích của chiến dịch là quét sạch hành lang khủng bố bắt đầu từ khu vực Manbij và xuyên suốt toàn bộ biên giới của hai nước và rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không bao giờ có ý định" xâm hại toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Trong một động thái cho thấy một giai đoạn mới trong chiến dịch chống các lực lượng dân quân người Kurd nhằm mục đích hỗ trợ cho chiến dịch "Nhành Ôliu”, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động các lực lượng an ninh đặc biệt tới Afrin để đảm bảo an ninh tại các khu vực chiếm đóng và tham gia chiến đấu.

Lực lượng đặc nhiệm đã bắt đầu nhiệm vụ của họ ở vị trí mới, chủ yếu là hoạt động dò tìm mìn ở trong thành phố. Các lực lượng đặc biệt cũng được giao nhiệm vụ chống lại cuộc tấn công ban đêm của những kẻ khủng bố. Ngoài ra, các đơn vị này có thể được sử dụng trong các trận đánh ở trung tâm của Afrin.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình đầu tuần này, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nhấn mạnh, việc triển khai các lực lượng đặc nhiệm là một phần trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc chiến mới sắp tới. Nhà lãnh đạo này cho biết thêm, cuộc chiến sẽ chuyển sang những nơi có dân thường, khi khu vực chiến đấu đang thu hẹp và lực lượng đặc nhiệm có kinh nghiệm chiến đấu với phiến quân ở các khu dân cư.

Trong khi đó, Thủ tướng  Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim vừa khẳng định các hoạt động quân sự triển khai tại Afrin sẽ còn tiếp diễn, nhưng không liên quan gì tới Đông Ghouta hay Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn 30 ngày tại Syria.

“Nhiều người đã nhầm lẫn Chiến dịch “Nhành Ôliu” chúng tôi đang tiến hành tại Afrin với các hoạt động quân sự ở Đông Ghouta. Rõ ràng Nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ đề cập tới Đông Ghouta. Bởi lẽ hoạt động truy quét  khủng bố chúng tôi đang tiến hành là nhằm cứu dân thường. Đó là chiến dịch nhăn chặn các nhóm khủng bố với những bàn tay đẫm máu”, Thủ tướng Binali Yildirim nói thêm.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng thông báo, quân đội nước này sẽ bao vây Afrin trong những ngày sắp tới.

Trong một diễn biến mới nhất, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 2/3 đưa tin, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích lực lượng ủng hộ chính phủ Syria tại Afrin, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng.

Theo nguồn tin, trong số các nạn nhân trên có 3 tay súng thuộc lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) và 14 nạn nhân khác thuộc lực lượng ủng hộ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad – vừa mới vào khu vực Afrin tuần trước để chống lại chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, giới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/3 thông báo, quân đội nước này đã "vô hiệu hóa" hơn 2.200 tay súng kể từ khi bắt đầu chiến dịch "Nhành Ôliu". Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ thường sử dụng cụm từ "vô hiệu hóa" trong các tuyên bố để ám chỉ những tay súng đầu hàng, bị bắt giữ hoặc bị tiêu diệt trong các chiến dịch quân sự mà nước này tiến hành.

Tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những tay súng bị "vô hiệu hóa" chủ yếu là thành viên Đảng Công nhân người Kurd (PKK), Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD), Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Ngoài ra, kể từ khi triển khai chiến dịch "Nhành Ôliu", quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Quân đội Syria Tự do (FSA) đã giải phóng 116 địa điểm, trong đó gồm một trong 5 thị trấn vùng Afrin, 88 làng, 20 khu định cư trên các vùng núi. 

Mặc dù lấy lý do là tiêu diệt khủng bố, nhưng cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria vẫn được cảnh báo là có nguy cơ mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Giới quan sát nhận định, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa gây ra 1 cuộc chiến tranh mở rộng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Không những vậy, chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ còn khoét sâu thêm những căng thẳng giữa nước này với Syria, khi Tổng thống Bashar al-Assad lên án chiến dịch này là hành động vi phạm chủ quyền và xâm lược Syria.

Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, việc điều quân đến Syria nhận được sự ủng hộ của các đảng đối lập trong nước, tuy nhiên hứng chịu không ít chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh xung đột chưa chấm dứt ở Syria, việc leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ này càng gây nhiều quan ngại, bao gồm vấn đề nhân đạo. Bởi lẽ chiến dịch “Nhành Ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có thể ngăn cản lực lượng người Kurd đang đứng về phía liên minh quân sự quốc tế chiến đấu chống các phần tử cực đoan tại Syria.

Không loại trừ khả năng, chiến dịch này có thể là nguồn cơn dẫn tới bùng nổ một cuộc chiến mới trong lòng đất nước Syria vốn đang bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến và xung đột kéo dài dai dẳng./.