Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Trong số 4.464 người đã bị sa thải có 2.585 công chức của Bộ Giáo dục, 893 hiến binh và 88 nhân viên đang làm việc cho kênh truyền hình TRT và trong số này cũng có 330 người là học giả của Hội đồng Giáo dục và Khoa học.

dao_chinh_bnkm.jpg
Hình vụ đảo chính hồi tháng 7/2016. Ảnh: Reuters

Một học giả bị sa thải cho biết: “Chúng tôi là thành viên Hội đồng Giáo dục và Khoa học. Tất cả chúng tôi đã ký đơn chỉ trích Hành động quân sự chống lại phiến quân người Kurd ở khu vực Đông Nam. Nhưng chúng tôi không phải là những người ủng hộ cuộc đảo chính”.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố quyết định sa thải nói trên mà không cần Quốc hội nước này thông qua theo lệnh tình trạng khẩn cấp - hiện đã được gia hạn tới lần thứ hai và dự kiến kéo dài đến ngày 19/4 tới.

Cho đến nay, Tổng thống Erdogan luôn cáo buộc Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - nhân vật hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, là chủ mưu vụ đảo chính quân sự trên, đồng thời cho rằng hiện vẫn còn tồn tại mạng lưới những người ủng hộ vị giáo sĩ này tại Thổ Nhĩ Kỳ cần bị trừng trị. Tuy nhiên, ông Fethullah Gulen đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan và cũng lên án âm mưu đảo chính trong nước.

Sau vụ chính biến hồi tháng 7/2016 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra hơn 100 người, giam giữ hơn 41.000 người chờ xét xử và đình chỉ công tác hoặc sa thải hơn 100.000 người làm việc trong các ngành quân đội, tòa án, giáo dục...

Hôm 7/1 vừa qua,  Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố sa thải gần 8.400 công chức và đóng cửa 80 công ty, bao gồm nhiều câu lạc bộ thể thao trong nước. Vụ chính biến hồi tháng 7/2016 đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch "thanh lọc" bộ máy nhà nước chưa từng có tiền lệ và gây nhiều tranh cãi như hiện nay./.