Ngày 14/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, bất chấp mọi đe dọa và sức ép, nước này sẽ không rút lại chiến dịch quân sự nhằm vào các tay súng nổi dậy người Kurd tại Đông Bắc Syria. Theo ông, trận chiến sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được “chiến thắng cuối cùng”.

nguoi_kurd_4_xkvg_jshm_qgvb.jpg
Khói đen bốc lên tại thị tấn Tal Abyad sau đợt không kích của máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10. Ảnh: AFP

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích Liên minh châu Âu và Liên đoàn Arab khi lên án chiến dịch quân sự của nước này, đồng thời kêu gọi quốc tế hỗ trợ cho kế hoạch thiết lập Vùng an toàn tại Đông Bắc Syria để tái định cư cho  3,6 triệu người tỵ nạn Syria.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các lực lượng người Kurd cố tình phóng thích các phần tử thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại một nhà tù ở thị trấn biên giới Tal Abyad.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết: “Liên quan tới vấn đề các tay súng IS đang bị giam giữ, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa nhằm đảm bảo không có kẻ khủng bố nào trốn thoát. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một nhà tù tại khu vực, đó là nơi giam giữ các phần tử IS. Khi chúng tôi đến đây, lực lượng người Kurd đã làm cho các nhà tù trở nên trống không và các phần tử IS đã được phóng thíchChúng tôi đã xác nhận thông tin qua những bức ảnh và đoạn băng ghi hình”.

Tuyên bố không nêu cụ thể bao nhiêu phần tử IS đã được phóng thích. Hiện các lực lượng người Kurd chưa đưa ra bình luận trước thông tin.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đối mặt với các lệnh trừng phạt. Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Trump sẽ ban bố một sắc lệnh hành pháp để Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức áp đặt trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ hay đợi Quốc hội hành động.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, hoàn toàn không quá muộn để Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, song đây là một tình huống phức tạp bởi Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.