Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng người Kurd Syria đã mất quyền kiểm soát đối với khu vực “chiến lược” này. Tuy nhiên, chiến dịch “Nhành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể kết thúc “sớm”.

olive_lyzg.jpg
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vẫy cỡ ở Afrin. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một sự kiện từ thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18/3 tuyên bố, lực lượng nổi dậy tại Syria do nước này hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực trung tâm thành phố Afrin, nơi có đa người Kurd Syria sinh sống. Tổng thống Erdogan cho biết, các chiến dịch tháo gỡ bom mìn đã bắt đầu được tiến hành tại đây.

Thông tin trên cũng đã được phía lực lượng Quân đội Syria Tự do xác nhận. Một chỉ huy cấp cao của lực lượng này, Ghasan Kano cho biết: “Cảm ơn Đấng Tối cao, hôm nay Afrin đã được giải phóng.

Chúng tôi đã hứa với gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ giải phóng Afrin nếu Đấng Tối cao sẵn lòng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục giải phóng các thành phố khác. Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa thôi, gia đình của chúng tôi tại các trại tạm bợ sẽ được về nhà mình trong hòa bình”.

Người dân tại Afrin cho biết, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria Tự do tiến vào trung tâm thành phố Afrin, Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) đã rút lui.

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao người Kurd, việc “rút lui” này chỉ là hình thức thay đổi chiến thuật của họ: thay vì đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria tự do, họ sẽ chuyển sang đánh “du kích”. Phát biểu trên kênh truyền hình địa phương, ông Othman Sheikh Issa, đồng Chủ tịch Hội đồng điều hành thành phố Afrin khẳng định, các tay súng người Kurd sẽ tấn công mỗi khi có cơ hội và lực lượng này sẽ trở thành “nỗi ác mộng” thường trực của “kẻ thù”.

Theo Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trong 2 tháng qua kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng một nhóm lực lượng nổi dậy Syria tấn công khu vực Afrin, hơn 1.500 tay súng người Kurd đã thiệt mạng, hầu hết là trong các vụ pháo kích và không kích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với chiến thắng “ban đầu” tại Afrin, giới quan sát lo ngại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng chiến dịch “Nhành Ô liu” ra các khu vực khác có người Kurd Syria sinh sống như Manbij và khu vực dọc bờ sông Euprates. Điều này sẽ khiến cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria khó có thể kết thúc sớm.

Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố chiến dịch “Nhành Ô liu” chỉ nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố người Kurd, song vấn đề này đến nay vẫn gây căng thẳng giữa Ankara với các nước đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Mỹ - quốc gia đã ủng hộ người Kurd ở Syria trong suốt cuộc chiến chống tổ chức IS./.