Động thái này diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai thêm khoảng 600 quân đến miền bắc Iraq và từ chối rút quân bất chấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Iraq và cộng đồng quốc tế.
Quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Telegraph. |
Cả Tổng thống, Thủ tướng và Ngoại trưởng Iraq đều lên tiếng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân, coi đây là hành động thù địch và vi phạm luật pháp quốc tế. Iraq đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Al Jaafari mô tả hàng động đưa quân sang biên giới Iraq là "sự vi pham nghiêm trọng chủ quyền vì chưa được Iraq ủy quyền”, vi phạm các nguyên tắc láng giềng tốt:
"Chúng tôi mong muốn duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chúng tôi sẽ không khoan dung với bất kỳ vi phạm nào. Sự hiện diện của một lực lượng vũ trang mà không có sự phối hợp với các lực lượng Iraq sẽ được xem như là một sự can thiệp quân sự và điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ra trong thời hạn mà Iraq đưa ra. Nếu không, Iraq buộc phải nhờ đến các kênh khác, đó là sự giúp đỡ của các tổ chức và cộng đồng quốc tế ".
Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili đe dọa rằng, Iraq có thể nhờ tới sự “can thiệp quân sự trực tiếp” của Nga để đối phó hành động “xâm phạm chủ quyền” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, đáp lại Iraq, hôm qua, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho rằng, đợt triển khai quân là một phần trong chương trình huấn luyện nhằm giúp quân đội Iraq giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul khỏi sự kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đợt triển khai quân còn nhằm đảm bảo an toàn cho các huấn luyện viên quân sự mà nước này cử tới Iraq.
"Chúng tôi biết rằng nhiều quốc gia, bao gồm Hà Lan, Pháp và Đức đã đào tạo lực lượng trong khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ đã được yêu cầu đóng góp để đào tạo lực lượng cho Iraq trong khu vực này để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, chính phủ Iraq lại quá nhạy cảm đối với vấn đề này. Tôi cho rằng, chính phủ Iraq sẽ thay đổi lập trường của mình sau khi nhận được bức thư của Thủ tướng Thổ Nhĩ kỳ và sau khi các bộ trưởng hai nước tổ chức cuộc họp về vấn đề này”.
Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối rút quân, Nga đã đề xuất một cuộc thảo luận với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này nhưng sẽ không có cuộc gặp riêng nào mà thay vào đó sẽ là cuộc thảo luận phiên họp kín trong khuôn khổ “những vấn đề khác”.
Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị Liên đoàn Arab lên án và mô tả việc triển khai quân là "sự can thiệp trắng trợn".
Ông Nabil Elaraby, Tổng thư ký Liên đoàn Arab nói rằng, Liên đoàn sẽ ủng hộ khiếu nại của Iraq gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc./.