Được nối lại sau 3 năm đình trệ, cuộc đàm phán lần này giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một bước đi lớn giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên và đưa Thổ Nhĩ Kỳ tới gần hơn với mái nhà chung của châu Âu.

Tuy nhiên, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu sẽ vẫn là một câu chuyện dài chưa thể có hồi kết, bởi vẫn còn khá nhiều rào cản bất đồng mà 2 bên sẽ cần phải vượt qua để có tiếng nói chung. 

Có quá nhiều trở ngại trong việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU (Ảnh AFP)

Trên thực tế, trong suốt 3 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải vượt qua không ít chông gai để có thể ngồi thể ngồi vào bàn đàm phán lần này ở Brussels, Bỉ, nhất là sau khi Đức cùng nhiều thành viên khác trong Liên minh châu Âu tỏ ý quan ngại về việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp các cuộc biểu tình khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Do đó, bước vào các cuộc đàm phán mới sau thời gian dài ngưng trệ, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu đều bày tỏ thái độ lạc quan về một động lực mới giúp thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu của Ankara.

Các quan chức EU cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong cải cách và coi đây là một bước tiến giúp Thổ Nhĩ kỳ đến gần hơn với mái nhà chung của châu Âu.

Uỷ viên Liên minh châu Âu về chính sách mở rộng Stefan Fule cho biết: “Những tiến bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm vừa qua đã cho thấy nước này rất chú trọng đến tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu và Liên minh châu Âu cũng đánh giá cao những cải cách này của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta cần thúc đẩy tiến trình đàm phán này”.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh giá cao việc 2 bên có thể nối lại các cuộc đàm phán tại Brussels.

Bộ trưởng phục trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là trưởng đoàn đàm phán nước này Egemen Bagis cho biết:“ Đây thực sự là một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Liên minh châu Âu. Chúng ta đang mở ra các cuộc đàm phán về các chính sách sau 40 tháng chờ đợi. Đây là một tín hiệu rất tích cực. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa và sẵn sàng để gia nhập EU với tư cách là một thành viên đầy đủ”.

Không thể phủ nhận việc nối lại đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là một tín hiệu đáng mừng, song con đường mà 2 bên phải đi để có thể cùng nhau sống dưới 1 mái nhà thì vẫn còn rất nhiều chông gai khi giữa Ankara và các thành viên châu Âu vẫn còn tồn tại quá nhiều bất đồng.

Điều này cũng lý giải tại sao Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu từ năm 2005, nhưng cho đến nay mới nhất trí được với khối này về 1 trong số 35 chương phải thực hiện để trở thành thành viên chính thức.

Nhà đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ Egemen Bagis hôm 5/11, đã lên tiếng chỉ trích các chính sách của Liên minh châu Âu tại Trung Đông khi cho rằng, nhiều người dân nước này không thể hiểu nổi tại sau Liên minh châu Âu đã không thể có một tiếng nói lớn hơn trong vấn đề Ai Cập, khi cựu Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội phế truất hồi tháng 7 vừa qua, hay tại sao 28 nước thành viên của châu Âu đã không đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn về cuộc xung đột tại Syria.

Trong khi đó, nội bộ Liên minh châu Âu hiện cũng đang tồn tại 2 luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp và Đức thì luôn tỏ ý quan ngại về việc đưa một quốc gia với phần lớn dân số là người Hồi giáo vào gia đình Liên minh châu Âu, bởi sự khác biệt về văn hóa có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kì khó hội nhập được với châu Âu.

Đấy là chưa kể đến việc nước này có thể sẽ trở thành gánh nặng của EU với diện tích và qui mô nhỏ của nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia ủng hộ Ankara, mà dẫn đầu là Anh và Thụy Điển lại nói rằng Liên minh châu Âu có thể được hưởng lợi từ sức mạnh kinh tế và nguồn lao động trẻ của Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này cũng sẽ giúp châu Âu có tiếng nói lớn hơn tại Trung Đông.

Rõ ràng để trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải vượt qua nhiều rào cản về văn hóa, phát triển kinh tế cũng như tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Song việc các bên có thể tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán sau thời gian dài bế tắc cũng có thể coi là một bệ phóng giúp đẩy nhanh tiến trình đưa Ankara vào ngôi nhà chung châu Âu.

Điều mà 2 bên rất cần tới bây giờ là một tinh thần thiện chí, thái độ tích cực và xây dựng niềm tin lẫn nhau. Chỉ có như vậy thì hành trình tới châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua, mới có hi vọng được rút ngắn./.