Phát biểu trước báo giới tại Brussels, Bỉ, Bộ trưởng các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik khẳng định nước này “cảm kích” trước sự hỗ trợ của EU, song Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều hơn là lời nói.

tho_cbzj.jpg
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán người dân sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở sân bay Ataturk. Ảnh AP

Lời kêu gọi của Bộ trưởng Celik đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào sân bay Ataturk tại thành phố Istanbul, làm ít nhất 41 người chết và hàng trăm người khác bị thương.

Ông Celik nói: “Một lần nữa, Brussels đã gửi đi những lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố. Tôi cám ơn EU vì sự ủng hộ và đoàn kết của họ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố không do dự tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng tôi muốn EU biến những tuyên bố của mình hành các hành động cụ thể”.

Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “người gác cổng” quan trọng nhằm kiểm soát dòng người tị nạn và di cư khổng lồ từ Trung Đông và Bắc Phi đổ vào EU, trong khi chính nước này cũng đang phải đối mặt với sự xuất hiện và hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các nhóm Hồi giáo cực đoan do ảnh hưởng từ cuộc nội chiến tại nước láng giềng Syria.

Trong bối cảnh cần tăng cường hợp tác để đối phó với khủng hoảng di cư và mối đe dọa khủng bố trà trộn vào dòng người di cư này, thì quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ lại có dấu hiệu xấu đi liên quan đến những bất đồng trong thỏa thuận nhập cư. Theo đó, EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải sửa đổi luật chống khủng bố của mình để được hưởng quy chế miễn thị thực vào EU.

Trong diễn biến liên quan, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cập nhật những thông tin mới nhất sau vụ khủng bố sân bay Ataturk cho biết, hơn 100 người trong tổng số 239 người bị thương đã được xuất viện.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo các nước Saudi Arabia, Iraq, Trung Quốc, Jordan, Tunisia, Uzbekistan, Iran và Ukraine có công dân thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngày 29/6 cũng có những tuyên bố nghi ngờ nhóm phiến quân IS đứng sau hành động bạo lực này./.