Các quốc gia có đông người Hồi giáo tại châu Á và Trung Đông đặc biệt lo ngại sau tuyên bố của Mỹ thông báo chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem- một quyết định làm nhiều người Hồi giáo tức giận.

giang_sinh_kbdy.jpg
Chợ Giáng sinh ở Đức mở cửa trong nỗi lo âu khủng bố như hồi năm 2016. Ảnh: DPA

Tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, cảnh sát cho biết đã tăng cường an ninh tại các nhà thờ và địa điểm du lịch. Một đội ngũ tình nguyện viên cũng được huy động sẵn sàng để bổ sung vào lực lượng an ninh nếu cần thiết.

Giới chức Indonesia thông báo triển khai khoảng 180.000 nhân viên an ninh trước thềm dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Lực lượng an ninh nước này cũng vừa mới bắt giữ 13 đối tượng trong các chiến dịch truy quét trên toàn quốc. Nhiều đối tượng bị bắt giữ có liên hệ với IS hoặc từng tham gia các lực lượng phiến quân tại Syria.

Tại Malaysia, kể từ ngày 20/12, Cục nhập cư nước này đã tiếp tục đẩy mạnh truy quét lao động bất hợp pháp trước thềm Giáng sinh và Năm mới, bắt giữ 80 lao động bất hợp pháp.

Tại Ai Cập, nơi xảy ra vụ đánh bom tại nhà thờ làm 25 người thiệt mạng vào tháng 12 năm ngoái, kế hoạch an ninh  bao gồm việc triển khai lực lượng từ tất cả các đơn vị của Bộ Nội vụ để bảo vệ 2.626 nhà thờ Cơ đốc giáo trên toàn quốc trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh năm nay.

Bên cạnh đó, giới chức Ai Cập có kế hoạch đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại các tổ chức khủng bố, cũng như tăng cường biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố xâm nhập từ Bắc Sinai sang các tỉnh khác.

Tại Pakistan nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhà thờ vào tuần trước, chính quyền tỉnh Baluchistan có kế hoạch triển khai 3.000 nhân viên an ninh tại 39 nhà thờ trong 2 ngày cuối tuần. 

Các tình nguyện viên từ các nhà thờ cũng được đào tạo để thực hiện hoạt động kiểm tra và nhận dạng an ninh những tín đồ vào trong nhà thờ cầu nguyện.

Nhiều người dân cho biết, các vụ tấn công sẽ không khiến họ lo sợ: “Chúng tôi rất buồn vì vụ tấn công xảy ra vào một nhà thờ tại Quetta. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi lo sợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi cầu nguyện để thể hiện hy vọng và niềm tin của chúng tôi”.

Nhiều nước châu Âu đang được đặt trong tình trạng báo động, đặc biệt sau khi có thông tin IS kích động phiến quân tiến hành nhiều vụ khủng bố tại Anh, Đức và Pháp trong dịp lễ Giáng sinh và đón mừng năm mới 2018.

Đức thắt chặt an ninh trên các khu chợ Giáng sinh khi nước này vừa kỉ niệm tròn 1 năm xảy ra vụ tấn công đâm xe tải tại khu chợ Giáng sinh ở Berlin làm 11 người thiệt mạng.

Có khoảng 2.600 khu chợ Giáng sinh được mở cửa từ cuối tháng 11 tại Đức với lực lượng an ninh được triển khai dày đặc và các tấm barrier chắn để bảo vệ khu chợ.

Cảnh sát nước này ngày 23/12 cũng đã cử các chuyên gia và một robot dò tìm chất nổ để điều tra một gói đồ khả nghi được phát hiện tại một chợ Giáng sinh ở thành phố Bonn. 

Tổng thống Pháp Macron lại khẳng định quyết tâm đối phó với chủ nghĩa khủng bố bằng cam kết đánh bại các nhóm cực đoan tại Sahel: “Chúng ta không để Sahel lại cho các tổ chức khủng bố mà chúng ta đã đánh bại tại Trung Đông.

Tôi hy vọng trong vòng vài tháng tới, trong khuôn khổ lực lượng liên quân quốc tế chúng ta sẽ giành chiến thắng chống IS tại Iraq và Syria. Tuy nhiên tôi cũng không muốn lực lượng khủng bố này lại chọn Sahel và Sahara làm lãnh thổ mới”.

Nước Mỹ cũng triển khai nhiều biện pháp an ninh đặc biệt, không chỉ đối phó với nỗi lo khủng bố mà còn đảm bảo an ninh do tình trạng bạo lực súng đạn gây ra. Trong vòng 14 giờ đầu tiên của kỳ nghỉ cuối tuần dịp lễ Giáng sinh, đã có 11 người bị thương trong các vụ nổ súng tại thành phố Chicago, bang Illinois Mỹ.

Trong năm 2016, có tổng cộng 59 người bị tấn công trong các vụ nổ súng trong dịp cuối tuần Giáng sinh tại Chicago, trong đó có 11 người thiệt mạng./.