Trong những giờ qua, một loạt các cuộc điện thoại từ nhiều nơi đã gọi đến Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya ở thủ đô Tripoli – vốn được quốc tế công nhận, của Thủ tướng Faiez Al-Serraj, để cập nhật tình hình chiến sự và tìm cách giải quyết căng thẳng. Những tuyên bố kêu gọi ngừng bắn, tránh leo thang căng thẳng liên tục được quốc tế đưa ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang thuộc chính quyền miền Đông Libya đẩy mạnh chiến dịch tấn công thủ đô Tripoli.
Xe quân sự của lực lượng chính phủ bị không kích gần Tripoli. Ảnh cắt từ clip. |
Hôm qua (8/4), các lực lượng vũ trang ủng hộ chính quyền miền Đông Libya, do Tướng Khalifa Hafta lãnh đạo, đã tiến hành không kích sân bay quốc tế Mitiga – sân bay duy nhất cho các hoạt động dân sự ở thủ đô Tripoli. Mọi hoạt động bay tại sân bay này lập tức bị đình chỉ. Chính quyền Libya tại thủ đô Tripoli, được quốc tế công nhận, đã coi vụ không kích là 1 tội ác chiến tranh, vi phạm các điều luật quốc gia và thỏa thuận quốc tế.
Tuy nhiên, phía chính quyền miền đông Libya cho biết, cuộc không kích không nhằm vào các máy bay dân sự. Mục tiêu của vụ không kích là 1 máy bay quân sự MiG đỗ tại sân bay này. Và trên thực tế, các nguồn tin khu vực xác nhận, sân bay Mitiga vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Chính quyền tại Tripoli.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế Libya, tính từ ngày 4/4 – thời điểm xảy ra giao tranh phía Nam thủ đô Tripoli đến nay, đã có ít nhất 32 người thiệt mạng và 80 người bị thương, bao gồm cả dân thường. Trong khi đó, lực lượng miền Đông Libya xác nhận có 19 binh sĩ bị thiệt mạng.
Hiện thế giới đang rất quan ngại về tình hình căng thẳng tại Libya, khi chính quyền miền Đông bất ngờ phát động tấn công Chính phủ được quốc tế công nhận ở thủ đô Tripoli. Đặc biệt là trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đang nỗ lực hòa giải, nhằm hướng tới 1 cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc. Đối với chính quyền Libya tại Tripoli, cuộc tấn công là sự “phản bội” của chính quyền miền Đông.
Hôm qua (8/4), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án tình trạng leo thang quân sự, đồng thời kêu gọi các bên ngừng giao tranh ngay lập tức, để lực lượng cứu hộ khẩn cấp có thể giải cứu những người dân còn mắc kẹt ở Tripoli. Đây cũng là lời kêu gọi được Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini đưa ra cùng ngày.
“Trước tiên, các bên cần phải thực hiện 1 lệnh ngừng bắn nhân đạo, để cho phép dân thường và những người bị thương sơ tán khỏi Tripoli. Các bên cũng cần tránh leo thang các hoạt động quân sự và quay trở lại bàn đàm phán”, bà Mogherini nói.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến nay đã có khoảng 3.400 người khác đã tháo chạy khỏi vùng chiến sự. Từ châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giuseppe có cuộc điện đàm với Thủ tướng Libya Faiez Al-Serraj để cập nhật về những diễn biến an ninh. Tại các cuộc điện đàm, Thủ tướng Libya Faiez Al-Serraj khẳng định, sẽ đẩy lùi cuộc tấn công của chính quyền miền Đông.
Trước đó, Nga, Luxembourg, Phần Lan, Áo và 1 số quốc gia khác cũng đã kêu gọi các phe phái đối địch ở Libya ngừng ngay lập tức các hành động có thể gây thêm đổ máu cho người dân vô tội và quay trở lại các cuộc đàm phán chính trị.
Hiện Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gadhafi. Ở quốc gia Bắc Phi này, hiện tồn tại 2 chính quyền song song, là chính quyền miền Đông do Tướng Haftar ủng hộ và chính quyền tại Thủ đô Tripoli được quốc tế công nhận.
Dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. Theo kế hoạch, từ ngày 14 đến 16/4 tới, một Hội nghị dân tộc Libya sẽ được tổ chức nhằm thảo luận về tiến trình bầu cử, hướng tới chấm dứt 8 năm xung đột. Đại diện Liên Hợp Quốc tại Libya khẳng định, hội nghị sẽ vẫn diễn ra bất chấp tình hình chiến sự phức tạp./.