Đây là bệnh nhân thứ 3, sau 2 bệnh nhân người Mỹ khỏi bệnh nhờ thuốc Zmapp do công ty dược phẩm công nghệ sinh học Mỹ sản xuất. 

Tổ chức Y tế thế giới cũng đang nhóm họp trong 2 ngày 4-5/9 nhằm thảo luận việc sử dụng các loại thuốc thử nghiệm trong điều trị Ebola. 

ebola_nige_mayk.jpgCác nhân viên y tế Nigeria kiểm tra các hành khách nhập cảnh vào sân bay quốc tế Murtala Muhammed (Ảnh AP)

Y tá William Pooley, 29 tuổi, bị nhiễm virus Ebola khi đang làm tình nguyện tại Sierra Leone, một trong những nơi dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất. Y tá này đã phục hồi và được xuất viện sau 10 ngày điều trị cách ly tại bệnh viện Miễn phí Hoàng gia Anh bằng thuốc thử nghiệm Zmapp. Đây cũng là loại thuốc từng cứu sống 2 bác sĩ người Mỹ trước đó.

Chia sẻ cảm xúc của mình sau khi được cứu sống khỏi dịch bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới gần 50% này, y tá Pooley bày tỏ: “Tôi thực sự cảm thấy mình may mắn. Tôi nghĩ, một trong những lý do giúp tôi khỏi bệnh là những chăm sóc y tế mà tôi nhận được. Và một điều quan trọng khác đó là những triệu chứng bệnh của tôi vẫn chưa tới giai đoạn nghiêm trọng”. 

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song theo các nhà khoa học, việc có thêm một bệnh nhân nữa khỏi bệnh sau khi được điều trị bằng thuốc thử nghiệm Zmapp đã mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống căn bệnh chết người này. Bởi tới nay chưa có loại vaccine hay thuốc đặc trị nào trong điều trị Ebola, trong khi đã lây lan của dịch bệnh vẫn không có dấu hiệu chững lại. 

Trong 2 ngày 4-5/9, khoảng 200 chuyên gia y tế, cùng đại diện các tập đoàn công nghiệp lớn nhóm họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận về mọi mặt xung quanh vấn đề sử dụng thuốc thử nghiệm chưa được thử trên người trong quá trình chống đại dịch Ebola. 

Sự kiện diễn ra gần 1 tháng sau khi Tổ chức Y tế thế giới hồi đầu tháng 8 bật đèn xanh cho việc sử dụng thuốc thử nghiệm. Dự kiến, tại cuộc họp lần này, các chuyên gia sẽ chọn ra 20 loại thuốc có khả năng được sử dụng để ngăn chặn bùng phát dịch Ebola. Theo các số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế thế giới công bố, chỉ trong vài ngày qua, số trường hợp nhiễm virus Ebola đã tăng đột biến, lên tới ít nhất 3.000 người, trong đó hơn 1.900 bệnh nhân, tức hơn 1 nửa trong số này tử vong, nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các đợt bùng phát dịch trước đây cộng lại. 

Trong khi chờ đợi các nhà khoa học tìm ra được phương thuốc hiệu quả trong phòng và điều trị Ebola, để đối phó với đà lây lan của dịch bệnh, ngoài các biện pháp y tế cộng đồng, các nước châu Phi và cộng đồng quốc tế vẫn đang tăng cường phối hợp nhằm tạo hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch chết người này. 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Margaret Chan ngày 3/9 cho rằng, tổ chức này sẽ phải mất 3 tháng để có thể đảo ngược xu hướng của dịch Ebola ở những nước đang chứng kiến “sự lây lan rất dữ dội” là Liberia, Guinea và Sierra Leone, 8 tuần đối với các nước như Senegal và Cộng hòa dân chủ Công, nơi tình trạng lây nhiễm đã được khoanh vùng. 

Tuy nhiên, bà hy vọng, với phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế, cụ thể là các khoản viện trợ và đội ngũ chuyên gia đang được gửi tới Tây Phi, đợt bùng phát hiện nay có thể được dập tắt trong vòng 6-9 tháng tới. 

“Virus Ebola đã trở thành mối đe dọa toàn cầu và chúng ta cần một hành động khẩn cấp và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các nước chịu tác động và các đối tác phát triển từ các nước khác. Như tại Mỹ, chính phủ nước này đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các nỗ lực nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh thông qua nhiều cơ quan như Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ hay Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ”, bà Chan nói. 

 Liên minh châu Phi ngày 4/9 cũng thông báo sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào đầu tuần tới (8/9) để soạn thảo một chiến lược chung cấp châu lục nhằm đối phó với dịch bệnh. 

Tuyên bố của Hội đồng điều hành Liên minh châu Phi nêu rõ, cuộc họp là nhằm xây dựng vốn hiểu biết chung về bệnh Ebola và cân nhắc một số quốc gia thành viên đình chỉ hoạt động hàng không và đóng cửa biên giới trên cả đất liền lẫn trên biển với các nước có dịch. Cuộc họp sẽ diễn ra tại trụ sở Liên minh châu Phi tại thủ đô Addis Abeba của Ethiopia./.