Đại dịch Ebola đang lan rộng nhanh chóng ở châu Phi bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các chính phủ. Senegal là quốc gia mới nhất tại khu vực chịu tác động của Ebola khi xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus chết người này.

Bộ Y tế Senegal hôm 29/8  thông báo, nước này đã phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên. Bệnh nhân là một sinh viên người Guinea tới xin điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Dakkar của Senegal hồi đầu tuần. Tuy nhiên, người này đã không khai báo việc tiếp xúc với các bệnh nhân Ebola ở Guinea. Trước đó, nhà chức trách Guinea đã tích cực tìm kiếm bệnh nhân nhiễm Ebola này trong suốt 3 tuần sau khi anh này trốn khỏi khu vực cách ly. Kết quả khám nghiệm ở Senegal cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus Ebola.

Virus Ebola đang lan rộng nhanh chóng ở châu Phi bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các chính phủ. Guinea là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch Ebola vào tháng 3 năm nay. Sau đó, dịch nhanh chóng lan sang các quốc gia láng giềng Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Ít nhất 1.550 người đã chết và hơn 3.000 người khác nhiễm bệnh trong trận dịch Ebola được cho là lớn nhất trong lịch sử này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới mới đây cảnh báo, số ca nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn gấp 4 lần so với con số được công bố và có thể thêm 20.000 người nữa nhiễm Ebola trước khi trận dịch kết thúc.                      Hiện chưa có loại vaccine hay thuốc đặc trị nào được chỉ định trong điều trị Ebola. Theo các nhà khoa học, biện pháp duy nhất lúc này là các nước trong khu vực phải nâng cao năng lực của ngành y tế trong việc phát hiện sớm dịch và kịp thời có biện pháp kiểm soát và đối phó. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh vượt biên giới. Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Liberia, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, Giáo sư Tom Frieden nhấn mạnh, với những hành động quốc tế khẩn cấp và mang tính phối hợp cao, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Frieden nói: “Một hành động quốc tế khẩn cấp là cần thiết. Nếu không ngăn chặn được đại dịch tại Tây Phi, thì chúng ta sẽ phải chiến đấu với nó trong nhiều năm nữa và sẽ không chỉ là tại Tây Phi mà là toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ và các hành động quốc tế khẩn cấp, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được đà lây lan của dịch bệnh.”

Một bằng chứng cho sự phối hợp hiệu quả trong ngăn chặn Ebola đó là việc chính phủ Liberia mới đây thông báo dỡ bỏ lệnh cách ly đối với một khu  phố ở thủ đô Monrovia, được áp đặt từ ngày 20/8 vừa qua. Trong một thông báo, phủ Tổng thống Liberia cho biết, bắt đầu từ sáng nay giờ địa phương, lệnh cách ly khu phố West Point sẽ được dỡ bỏ.

Quyết định đưa ra sau khi Bộ Y tế trình báo cáo cho thấy kết quả tích cực trong hợp tác giữa khu phố với cơ quan y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hơn nữa, người dân cũng đã cho thấy quyết tâm đấu tranh với dịch bệnh thông qua việc tổ chức các nhóm theo dõi và giám sát mọi hoạt động tiếp xúc với người bệnh, cũng như các chiến dịch phổ biến mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa dịch bệnh.

Trong lúc này, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra một phương thuốc điều trị hiệu quả chống lại virus Ebola. Trong những ngày tới, Mỹ sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với một loại vaccine thử nghiệm mới, đang cho kết quả tích cực trên động vật./.