1. Khoảng 23h20 đêm 14/7 (theo giờ địa phương), một chiếc xe tải đã lao vào đám đông đang rời đi sau khi xem pháo hoa chào mừng ngày Quốc khánh Pháp trên đại lộ La Promenade des Anglais ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp. Vụ tấn công khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Hung thủ gây ra vụ tấn công ở Nice đã bị bắn chết sau khi gây ra vụ thảm sát. 

a1_ukvs.jpg
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nice, Pháp. (ảnh: AFP).

Vụ tấn côngnày xảy ra đúng vào ngày Quốc khánh Pháp (Bastile Day), 14/7, vào thời điểm mà nước Pháp vẫn chưa nguôi ngoai sau loạt vụkhủng bố đẫm máutại Paris hồi tháng 11 năm ngoái khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Kết quả điều tra bước đầu xác định thủ phạm có thể là một người gốc Tunisia sinh sống ngay tại thành phố này. Tuy không có tên trong danh sách theo dõi của cơ quan mật vụ Pháp, song cảnh sát Pháp từng để mắt tới đối tượng này do liên quan tới các vụ phạm tội như trộm cắp và bạo lực. 

Tổng thống Pháp Francois Hollandesau đó gọi cuộc tấn công này là một hành động khủng bố, đồng thời tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Pháp thêm 3 tháng. Thủ tướng Manuel Valls cho biết, Pháp sẽ tổ chức quốc tang 3 ngày bắt đầu từ ngày 16/7 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Nice.

Trước thông tin về vụ tấn công kinh hoàng, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia và tổ chức trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Bỉ và Trung Quốc đều bày tỏ chia buồn cùng nước Pháp và các nạn nhân cũng như lên án hành động tấn công man rợ này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ, coi đây là vụ tấn công "hèn hạ và dã man". 

2. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 14/7 có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar trong chuyến thăm tới thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tới Ấn Độ trong 2 năm rưỡi qua. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 14/7 có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar (phải). (ảnh: PTI).

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani đã đề cập tới phán quyết củatòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”của Trung Quốc. Vị quan chức này cho rằng đây là phán quyết cuối cùng và các nước liên quan cần tuân thủ nghĩa vụ của mình theo phán quyết.

Cũng theo ông Nakatani, Nhật Bản mong muốn hợp tác với Ấn Độ trong một nỗ lực nhằm mang lại một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Parrikar khẳng định, Ấn Độ cũng đang kêu gọi một giải pháp hòa bình dựa trên phán quyết của tòa, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp. 

3. Theo hãng tin Jiji, chiều 15/7 (giờ Nhật Bản),Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abeđã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11), Hội nghị kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), đang diễn ra tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu Trung Quốc phải thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA). (ảnh: EPA).

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu Trung Quốc phải thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) liên quan đến việc phủ nhận quyền lãnh hải của Trung Quốc theo “Đường chín đoạn” tại Biển Đông.

Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc coi phán quyết của PCA là không có hiệu lực.

Đây là cuộc hội đàm đầu tiên trong năm nay giữa hai Thủ tướng Nhật Bản và Trung Quốc kể từ cuộc hội đàm được tiến hành vào tháng 11/2015. 

4. Tối 14/7, Ngọai trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow. Cả Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Putin đều bày tỏ mong muốn đạt được tiến triển trong vấn đề Syria. 

Ngọai trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow. (ảnh: Pool).

Hiện cả Nga và Mỹ đều không hài lòng với tiến độ hợp tác giữa quân đội 2 nước trong vấn đề Syria. Ngay trước khi Ngoại trưởng Kerry lên đường đến thăm Nga, tờ Bưu điện Washington đưa tin Mỹ sẽ đề xuất hợp tác với Nga trong một hành động quân sự chung chống lại nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra, 1 nhánh của al- Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Theo đó, các chỉ huy của Mỹ và Nga sẽ thiết lập một bộ chỉ huy và trung tâm điều khiển chung đặt gần thủ đô Amman của Jordan để điều hành những vụ oanh kích tăng cường nhằm vào các nhóm thánh chiến. Hai bên sẽ tăng cường chia sẽ thông tin tình báo nhằm nhận diện nơi trú ẩn của các thủ lĩnh IS, al-Nusra, trại huấn luyện, tuyến đường tiếp viện cũng như như các cơ quan đầu não của các nhóm khủng bố tại Syria để có kế hoạch phối hợp oanh kích hiệu quả, tránh va chạm không đáng có.

Tuy nhiên, các quan chức Nga và Mỹ chưa xác nhận thông tin này. Chi tiết về đề xuất của các bên sẽ được sáng tỏ hơn sau cuộc thảo luận trong ngày hôm nay giữa ông Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. 

5. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 14/7 tuyên bố, đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Chính phủ Syria ở tỉnh miền Đông Deir el-Zour và giết hại phi công lái máy bay này. 

Trang tin Aamaq công bố những hình ảnh của chiếc chiến đấu cơ Syria bị bắn rơi. (Ảnh: Reuters)
.

Đoạn video được kênh Aamaq của IS công bố cho thấy, mảnh vỡ của máy bay đang bốc cháy cùng thi thể của phi công bị treo trên một vật thể giống như cây cột.

Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh cũng đưa tin, IS đã bắn hạ một máy bay ở khu vực cách sân bay quân sự Deir el-Zour khoảng 5 km. Hiện chưa rõ thời điểm máy bay bị bắn hạ.

Hiện IS đang kiểm soát hầu hết khu vực phía đông tỉnh Deir el-Zour, trong khi lực lượng Chính phủ Syria đang kiểm soát sân bay quân sự ở tỉnh này./.