xay_dao_gojf.jpg
Mô hình đảo nổi sử dụng cấu trúc VLSF của Trung Quốc. (Ảnh  lt.cjdby.net)
1. Tạp chí Navy Recognition mới đây đăng bài cho biết, Tập đoàn Phát triển Jidong đã công bố thiết kế đầu tiên của một “cấu trúc nổi cực lớn” (VLSF) do Trung Quốc tự chế tạo trong Triển lãm Thành tựu Khoa học Công nghệ Quốc phòng tại Bắc Kinh vào cuối tháng 7 vừa qua.

Theo đó, cấu trúc này bao gồm rất nhiều những vật thể nổi có thể gắn kết chặt chẽ với nhau trên biển để tạo ra một “đảo nổi” với quy mô cực lớn. VLSF có thể sẽ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó, cấu trúc này có thể trở thành các cầu cảng, các căn cứ quân sự hoặc thậm chí là các sân bay nổi trên biển.

Dù Trung Quốc chưa bắt tay vào xây dựng một kết cấu VLSF cụ thể nào, song bài báo dẫn lời một quan chức nước này nói rằng, Trung Quốc đang quan tâm đến việc làm thể nào để có thể tận dụng kết cấu này để “tạo ưu thế trong tranh chấp ở Biển Đông”.

2. Quân đội Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật tại Quân khu Thành Đô với sự tham gia của 140.000 binh sĩ. Đây là cuộc tập trận gần đây nhất trong số 100 cuộc tập trận mà Trung Quốc dự định tiến hành trong năm 2015.

AP dẫn lời quan chức Trung Quốc ngày 11/8 cho biết, cuộc tập trận mang tên “Hành động chung- 2015D” là cuộc tập trận đầu tiên trong số 5 cuộc tập trận có sự tham gia của các lực lượng lục quân, hải quân, không quân và tên lửa.

Quân đội Trung Quốc gần đây đã liên tục tăng cường cả cường độ và mức độ của các cuộc tập trận với mục tiêu chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc giao tranh nào mà Trung Quốc có thể phải tham gia trong tương lai.

Lực lượng chức năng đưa mảnh vỡ máy bay tìm thấy đi kiểm tra (Ảnh AFP)

3. Bộ trưởng Giao Thông Malaysia Liow Tiong Lai ngày 10/8 cho biết: “Chúng tôi sẽ điều một nhóm điều tra đến Maldives để xem xét mảnh vỡ mới được tìm thấy và tiến hành xác minh ban đầu về nguồn gốc của mảnh vỡ đó”.

Ông Liow tuyên bố, “cho đến thời điểm này, vẫn còn quá sớm để xác nhận rằng mảnh vỡ này có liên quan đến máy bay MH370 hay không”.

Trước đó, Maldives đã tham gia vào việc tìm kiếm mảnh vỡ máy bay MH370 sau khi có thông tin rằng những người dân tại quốc đảo này đã phát hiện ra một số mảnh vỡ được cho là của máy bay MH370.

Lá cờ Hy Lạp bay bên ngoài tòa nhà Chứng khoán Hy Lạp (Ảnh AFP)

4. Chính phủ Hy Lạp ngày 11/8 cho biết: sau cuộc đàm phán marathon, Hy Lạp và các nước chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu – (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba trị giá hàng tỷ euro dành cho nước này.

Dự kiến sau khi đạt được thoả thuận trên, Quốc hội Hy Lạp sẽ nhóm họp để thông qua một số văn kiện trong ngày 13/8 và cuối cùng, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ phê chuẩn văn kiện này trong ngày 14/8.

Cơ quan lập pháp các nước Eurozone sẽ tiến hành phê chuẩn thoả thuận trong hai ngày 17 và 18/8, trước thời hạn chót ngày 20/8, thời điểm Hy Lạp phải trả khoản nợ 3,4 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Biểu tình trong dịp kỷ niệm một năm ngày thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết ở Ferguson ngày 9/8 (Ảnh AFP)

5. Chính quyền thị trấn Ferguson (Mỹ) ngày 10/8 một lần nữa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp đề phòng tái diễn làn sóng biểu tình bạo động tại đây.

Những cuộc biểu tình hòa bình tại Ferguson, 1 năm sau khi thanh niên da màu không vũ trang Michael Brown bị bắn chết, đang rơi vào hỗn loạn khi cảnh sát chống bạo động cố gắng giải tán người biểu tình làm ách tắc giao thông và đập vỡ nhiều cửa sổ trên đường.

Hàng trăm người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành qua các con phố ở hạt St. Louis, mang theo các khẩu hiệu như “Phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện diện tại đây”, “Hãy chống lại phân biệt chủng tộc” và yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ hành động.

Cảnh sát và lực lượng thực thi luật pháp đang được tăng cường tại Ferguson lo do ngại làn sóng biểu tình bạo loạn leo thang. Đã có hàng chục người biểu tình bị bắt giữ họ định phá vỡ rào chắn tại một tòa án ở hạt St. Louis và chặn nút giao thông gần Ferguson trong giờ cao điểm./.