1. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, ngày 12/3, Triều Tiên tuyên bố sẽ tìm cách trả đũa cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn; đồng thời đe dọa rằng, Bình Nhưỡng đang “chờ đợi thời khắc để trừng phạt những kẻ xâm lược”.

24h1_epa_qxsr.jpg
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm. (Ảnh: EPA)

Yonhap trích dẫn nguồn tin từ Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) nói rằng, KPA có kế hoạch đáp trả các cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ “bằng cuộc tấn công chớp nhoáng có độ chính xác cực cao”, đồng thời cho biết thêm các lực lượng vũ trang cách mạng của Triều Tiên đang "nắm chắc tay súng" và chờ lệnh Bộ Chỉ huy Tối cao. 

Đáp lại tuyên bố của phía Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay việc phát đi những thông điệp đe dọa, khiêu khích làm tình hình thêm căng thẳng.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Hàn trong một tuyên bố nêu rõ: “Nếu Triều Tiên tiếp tục có các hành động khiêu khích bất chấp những lời cảnh báo nghiêm khắc của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng có hành động đích đáng để trả lời họ”.

2.Cùng ngày, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ lớn nhất từ trước đến nay ở một thành phố cảng phía Đông của Hàn Quốc bất chấp những đe dọa mới nhất từ phíaCHDCND Triều Tiên.

Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc diễn tập đổ bộ. (Ảnh: AFP)

Theo thông báo, cuộc diễn tập đổ bộ ở thành phố cảng Pohang có sự tham gia của 17.200 binh sỹ, trong đó có khoảng 12.200 lính thủy đánh bộ và lính hải quân của Mỹ. 

Đáng chú ý, cuộc tập trận này có sự góp mặt của các tàu sân bay USS Bonhomme Richard và tàu đổ bộ USS Ashland. Cuộc tập trận lần này tập trung vào nội dung sử dụng các lực lượng đặc nhiệm phá hủy những cơ sở lớn của đối phương. 

Ngoài các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng tham gia tập trận. Cuộc tập trận đổ bộ ở Pohang đánh dấu lần đầu tiên New Zealand góp mặt trong khi đây cũng là lần quân đội Australia cử lực lượng tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay.

3. Cũng liên quan đến Triều Tiên, hôm nay (12/3), hãng tin CNN  dẫn lời các nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Triều Tiên đã mất liên lạc với một chiếc tàu ngầm. Theo đó, quân đội Mỹ đã theo dõi một tàu ngầm hoạt động ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên khi con tàu này dừng lại ở đây. 

Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm một tàu ngầm của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Các vệ tinh cùng máy bay và tàu của Mỹ cũng bí mật quan sát nhiều ngày trong lúc CHDCND Triều Tiên đang tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích.

Nguồn tin của CNN cho biết hiện Mỹ chưa thể chắc chắn về việc chiếc tàu này đang trôi nổi ở đâu đó hay đã bị đắm. Tuy nhiên họ tin rằng tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đã bị trục trặc nào đó khi đang diễn tập.

Hãng tin Pháp AFP cùng ngày dẫn lời một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul đang điều tra thông tin nói trên. Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này.

4. Theo kế hoạch, Tỷ phú Donald Trump hôm qua (11/3) tổ chức cuộc vận động tranh cử tại Trường Đại học Illinois, Chicago thu hút sự tham gia của khoảng 10.000 người ủng hộ.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, hàng nghìn người phản đối ứng cử viên đảng Cộng hòa đã tập trung bên ngoài trường Đại học này, khiến ông Trump phải hủy cuộc vận động tranh cử vì lý do an ninh.

Các nguồn tin địa phương cho biết, đã xảy ra ẩu đả giữa những người ủng hộ và phản đối ứng cử viên Donald Trump. CNN dẫn lời người phát ngôn sở cảnh sát Chicago cho biết, không có trường hợp bị thương hay bị bắt giữ nào sau sự việc này.

5. Trong một tuyên bố, Ủy ban Đàm phán Cấp cao (gồm đại diện các lực lượng đối lập Syria - HNC) cho biết, họ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 14/3 như một phần "cam kết đối với các nỗ lực quốc tế", nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu và tìm ra một giải pháp chính trị" cho cuộc chiến dai dẳng suốt 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria về cơ bản đã được các bên liên quan tôn trọng. (Ảnh: AP)

Tuyên bố của Ủy ban đàm phán cấp cao Syria đồng thời nhấn mạnh không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào trong đàm phán, song các bên phải tôn trọng lệnh ngừng bắn và các vấn đề về nhân đạo.

Trước đó cùng ngày, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Stafan de Mistura thông báo vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực sẽ bắt đầu từ ngày 14/3 tới tại Geneva và kéo dài khoảng 10 ngày.

Theo ông Mistura, nội dung chính của vòng hòa đàm sẽ tập trung vào việc thiết lập một chính quyền chuyển tiếp có đầy đủ quyền hành pháp, xây dựng một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 18 tháng tới./.