1. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hôm nay (9/3), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên tuyên bố, các nhà khoa học nước này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân được gắn vào tên lửa đạn đạo.

kim_jong_un_1_oahr.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại buổi tiếp các nhà khoa học, ông Kim nói: “Các đầu đạn hạt nhân đã được chuẩn hóa để gắn vừa vào tên lửa đạo đạo nhờ việc thu nhỏ chúng. Đây có thể được coi là một sự răn đe hạt nhân thực sự”.

Ông nhấn Kim nhấn mạnh: “Năng lực tấn công hạt nhân của chúng ta càng mạnh, thì năng lực răn đe đối với hành động xâm lược và chiến tranh hạt nhân càng tăng mạnh”.

Dù cả Mỹ và Hàn Quốc ngay lập tức lên tiếng bày tỏ hoài nghi về tuyên bố này của Bình Nhưỡng nhưng việc lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên có tuyên bố công khai về vấn đề này khiến không ít người phải lo ngại.

2. Cũng liên quan đến Triều Tiên, phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Seoul, ngày 9/3, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho biết, mặc dù công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc vẫn không thay đổi lập trường tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia này, đặc biệt là trẻ sơ sinh và các bà mẹ.

Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ thận trọng trong việc quyết định thời điểm và quy mô cung cấp viện trợ nhân đạo, sau khi xem xét nhiều yếu tố khác nhau.

Trước đó, hôm 8/3, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào CHDCND Triều Tiên, ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết  mới áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan đến các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo của nước này.

3. Cuộc đua để trở thành ứng cử viên duy nhất của các đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/3 chứng kiến bất ngờ lớn khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã đánh bại ứng cử hàng đầu của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton trong cuộc bỏ phiếu của đảng này tại bang Michigan.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vậy, chiến thắng của ông Sanders được cho là không ảnh hưởng nhiều đến cục diện cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Dân chủ để trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng này ra tranh cử Tổng thống, bởi trong ngày 8/3 bà Clinton cũng đã giành được chiến thắng quan trọng tại bang Mississippi.

Ở cuộc đua của đảng Cộng hòa, cũng trong ngày 8/3, Thượng nghị sỹ Ted Cruz đã chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này tại bang Idaho. Trong khi đó, một đối thủ nặng ký của ông Cruz trong đảng Cộng hòa là Donald Trump đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng này diễn ra cùng ngày tại bang Michigan và Mississippi.

4. NBC News ngày 9/3 đưa tin, một chỉ huy được cho là "Bộ trưởng chiến tranh" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đã bị tiêu diệt trong đợt không kích do liên quân quốc tế thực hiện ở Syria.

"Bộ trưởng chiến tranh" của IS Abu Omar Al-Shishani. (Ảnh: Reuters)

Abu Omar Al-Shishani, còn được biết tới với tên gọi Omar the Chechen, nằm trong số những phiến quân bị truy nã gắt gao nhất. Mỹ đã tuyên bố treo thưởng tới 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp tiêu diệt tên này.

Theo NBC News, Al-Shishani có thể đã thiệt mạng cùng với hàng chục chiến binh thánh chiến khác trong một đợt không kích do liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu thực hiện ngày 4/3 gần thị trấn Al-Shadadi, Syria.

Bình luận về thông tin này, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết: “Loại bỏ được Al-Shishani sẽ khiến việc tuyển mộ chiến binh nước ngoài của IS gặp khó khăn, đặc biệt là việc tuyển mộ những chiến binh từ Chechnya và vùng Caucus. Nếu điều này là sự thật cũng sẽ làm suy giảm khả năng phối hợp tấn công và phòng thủ của IS ở Raqqah, Syria, và Mosul, Iraq”.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng khi chưa chính thức xác nhận rằng Al-Shishani đã chết.

5. Các nguồn tin Arab cho biết, một làn sóng bạo lực nghiêm trọng mới đã bùng phát ngày 8/3 ở cả các vùng đất Palestinebị chiếm đóng và trong lãnh thổ Israel, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương.

Căng thẳng ở Bờ Tây có dấu hiệu gia tăng trong những ngày gần đây. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, sau khi xảy ra loạt vụ người Palestine nổ súng và dùng dao tấn công khiến 1 du khách Mỹ thiệt mạng và 12 người Israel bị thương, quân đội Israel đã đẩy mạnh các cuộc vây bắt và trấn áp mạnh tay với người Palestine ở cả 3 khu vực là Jerusalem, thành phố Jaffa và thành phố Tel Aviv. Ít nhất 4 người Palestine, chủ yếu là thanh niên, đã bị lính Israel bắn chết trong các cuộc vây ráp này.

Đợt bùng phát bạo lực mới nhất giữa người Palestine và Israel xảy ra đúng vào ngày Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến thăm tới Trung Đông, trong đó có Israel và khu Bờ Tây của Palestine.

Theo các nguồn tin khu vực, một trong những sứ mệnh chính trong chuyến công du đặc biệt này của Phó Tổng thống Mỹ tới Trung Đông là nhằm khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình đang bị gián đoạn hiện nay giữa người Palestine và Israel./.