1. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (29/7) đã kịch liệt lên án các nước phương Tây vì không thể hiện tình đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ sau âm mưu đảo chính bất thành ở nước này vừa qua.

24h1_epa_xepy.jpg
Rất nhiều người đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: EPA)

Phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ tại văn phòng Tổng thống, ông Erdogan nhấn mạnh, những người chỉ lo lắng về số phận của những đối tượng ủng hộ đảo chính thay vì nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể là bạn của nước này.

Theo ông Erdogan, thái độ của nhiều quốc gia và quan chức phương Tây đối với âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua là “đáng xấu hổ dưới danh nghĩa dân chủ”. Ông cũng đồng thời lên tiếng chỉ trích một số quan chức Mỹ đứng về phía các đối tượng âm mưu khủng bố.

Ông Erdogan thậm chỉ còn lên tiếng chỉ trích, Tư lệnh Mỹ Joseph Votel, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, cho rằng ông này đứng về phía những kẻ âm mưu đảo chính, sau khi ông Votel trước đó bày tỏ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một số tướng lĩnh quân đội có thể làm tổn hại tới hợp tác quân sự giữa hai nước.

2. Hôm qua (29/7), Nhật Bản cảnh báo, nước này không loại trừ nguy cơ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố và sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nguy cơ từ IS đã không chỉ còn giới hạn ở Trung Đông. (Ảnh: AP)

Cơ quan Cảnh sát quốc gia  Nhật Bản (NPA) công bố sách Trắng cho biết sẽ tăng cường các biện pháp chống khủng bố trước thềm Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh nguy cơ các vụ tấn công khủng bố nhằm vào công dân Nhật Bản ngày một gia tăng.

Năm ngoái, 2 con tin người Nhật đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát hại tại Syria. Trước đó, năm 2013, 10 công dân Nhật Bản cũng bị giết hại khi phiến quân tấn công và bắt giữ con tin tại một nhà máy dầu khí ở Algeria.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức chống khủng bố, cơ quan tình báo và cơ quan cảnh sát trên toàn thế giới. Ngoài ra, Cơ quan này cũng sẽ siết chặt các quy định về xe máy bay không người lái, đẩy mạnh giám sát những cơ sở hóa chất có thể sản xuất vật liệu làm chất nổ.

3. Ngày 29/7, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura hối thúc Nga bàn giao việc thành lập các hành lang nhân đạo quanh thành phố Aleppo cho Liên Hợp Quốc và các đối tác.

Thành phố Aleppo tan hoang vì bom đạn. (Ảnh: AP)

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã đề xuất thành lập các hành lang nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho dân thường và các tay súng đầu hàng thoát ra khỏi các vùng bị vây hãm ở Aleppo. Hiện binh sỹ chính phủ Syria đang siết chặt vòng vây quanh những khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Aleppo.

Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, Nga sẵn sàng phối hợp với Liên Hợp Quốc thành lập các hành lang nhân đạo trong khi đặc phái viên Mistura cho biết, ông không được tham vấn trước về kế hoạch của Nga.

4. Ít nhất 3 người, trong đó có đại diện tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại miền Bắc Ukraine.

Nguyên nhân của vụ nổ là do sự tắc trách trong quá trình xử lý vũ khí. (Ảnh minh họa: compliancecampaign)

Theo thông tin từ công ty quốc phòng Ukraine Ukroboronprom, vụ nổ xảy ra hôm qua (29/7) khi một tên lửa đang được tháo dỡ khỏi một phương tiện chuyên dụng.

Vụ nổ đã khiến 3 người trong đó có đại diện tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, người hiện đang giám sát quá trình giáp giáp vũ khí tại Ukraine thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Điều tra cho thấy, nguyên nhân của vụ nổ là do sự tắc trách trong quá trình xử lý vũ khí.

5. Ngày 29/7, Nhóm vận động tranh cử của cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ 2016, cho biết mạng lưới máy tính của họ vừa bị tin tặc đột nhập.

Nhóm vận động tranh cử của cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton cho biết mạng lưới máy tính của họ vừa bị tin tặc đột nhập. (Ảnh minh họa)

Theo nguồn tin trên, các đối tượng bên ngoài đã tiếp cận được chương trình phân tích dữ liệu của ê-kíp này sau khi xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) mới đây.

Trước đó cùng ngày, Ủy ban Vận động Quốc hội của đảng Dân chủ (DCCC) xác nhận ủy ban này cũng từng là mục tiêu của một "sự cố an ninh mạng," tương tự vụ tấn công nhằm vào hệ thống thư điện tử (email) của DNC. Hiện DCCC đang nỗ lực đảm bảo an ninh mạng và hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật liên bang để điều tra vụ việc./.