1, Ngày 8/12, đại diện phía Nga thông báo, lần đầu tiên nước này bắn tên lửa Kalibr không kích vào Syria từ một tàu ngầm ở Địa Trung Hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông tin, các cuộc không kích nhằm vào những điểm trọng yếu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xung quanh Raqa. 

nga_lan_dau_tan_cong_is_bang_ten_lua_phong_tu_tau_ngam_dqkd.jpg
Lần đầu tiên Nga tấn công IS bằng tên lửa phóng từ tàu ngầm Rostov-on-Don. (Ảnh: Sputnik).

Phát biểu tại Washington, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nói: “Chúng tôi được phía Nga thông báo trước rằng họ sẽ tiến hành không kích bằng tên lửa”.

Ông Peter Cook nói thêm: “Chúng tôi đánh giá cao điều đó”, dẫu cho điện Kremlin không bắt buộc phải làm như vậy. Việc thông báo trước các cuộc không kích cho nhau là biện pháp một “biện pháp an toàn bổ sung”.

Với tầm bắn lên tới 2.500 km, tên lửa Kalibr là một trong những loại vũ khí tầm xa chính xác nhất, uy lực nhất trong kho vũ khí Nga.

RT dẫn lời ông Shoigu cho biết, nước này có thể khẳng định rằng tổ chức khủng bố IS đã bị thiệt hại nặng nề khi bị tên lửa của Nga bắn trúng vào kho chứa vũ khí, một nhà máy khai thác mỏ cũng như cơ sở sản xuất dầu.

2, Người Hồi giáo ở Mỹ ngày 8/12 đã lên án phát biểu của ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016 Donald Trump cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Nhiều người cho biết họ cảm thấy bị tổn thương sau khi nghe phát biểu vừa nêu. Nhiều ý kiến cho rằng, khủng bố không đại diện cho bất kỳ tôn giáo nào và người Hồi giáo là một phần của nước Mỹ. 

Ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều phát biểu gây tranh cãi. Ảnh: AP

Nhà Trắng cũng đã kêu gọi đảng Cộng hòa ra tuyên bố không ủng hộ ông Trump, người đang là ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cho rằng, bình luận mang tính chất kỳ thị người Hồi giáo, có thể làm phương hại tới an ninh của Mỹ.

Thủ tướng Pháp, Anh, các quan chức Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng người Hồi giáo ở các nước châu Á đều đồng loạt lên án bình luận của tỷ phú Donald Trump.

3,  Con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Bilal Erdogan đã phủ nhận bất cứ sự dính líu nào vào hoạt động buôn bán dầu bất hợp pháp với nhóm khủng bố IS bất chấp việc ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh điều này. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng con trai Bilal (giữa) và con gái. Ảnh: AP.

Reuters dẫn lời ông Bilal cho biết: “Chúng tôi mở văn phòng ở Istanbul... Chúng tôi không làm ăn ở Địa Trung Hải, Syria, hay Iraq. IS là kẻ thù của đất nước chúng tôi. IS là một điều ô nhục. Chúng đưa tôn giáo của tôi vào chỗ tối tăm. Chúng không đại diện cho đạo Hồi và tôi không coi chúng là người Hồi giáo”.

Con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, trên thực tế ông không kiểm soát các hoạt động hàng hải và lập luận rằng công ty của mình chỉ đóng tàu.

Bilal cũng bác bỏ các ý kiến cho rằng công ty của anh trai mình đang vận chuyển dầu cho IS. “Anh ấy có một tàu chở hàng, nhưng tàu đó không thể dùng làm tàu chở dầu”.

4, Ngày 8/12, Tổng thống Nga Putin cho biết, Moscow đã khôi phục được hộp đen của máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng trước và sẽ cùng các chuyên gia nước ngoài phân tích hộp đen này. 

Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Quốc phòngSergei Shoigu kiểm tra hộp đen Su-24. (Ảnh AFP).

Theo Thông tấn Nga, tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khi ông này báo cáo về chiếc hộp đen, Tổng thống Nga Putin nói: "Tôi yêu cầu không mở hộp đen trong thời gian này". "Chỉ mở hộp đen khi cùng làm việc với các chuyên gia nước ngoài, xem xét mọi chi tiết thật cẩn thận".

Tổng thống Nga Putin cho biết, phân tích của hộp đen sẽ giúp xác định đường bay của Su-24 bị bắn rơi và vị trí khi bị bắn. 

Nhưng ông Putin cũng cảnh báo rằng, không có thông tin nào từ hộp đen có thể làm dịu sự tức giận của Moscow đối với Ankara. 

5, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/12 xác nhận, Ankara đã dừng triển khai binh sĩ tới khu vực Bashiqa, miền Bắc Iraq từ 2 ngày trước.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Iraq đe dọa sẽ đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút binh sĩ khỏi nước này. 

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để xâm phạm chủ quyền của Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không triển khai các biện pháp nhằm xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì một nhóm chuyên gia huấn luyện ở căn cứ Bashiqa, cách thành phố Mosul 30 km về phía Đông Bắc, để hỗ trợ lực lượng tình nguyện địa phương chống khủng bố.

Iraq cũng đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân, nếu không Iraq có thể viện tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc./.