1, Ngày 9/1, Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo chiến tranh với Hàn Quốc sau khi Seoul tiếp tục công kích Bình Nhưỡng bằng loa phát thanh qua biên giới. Đây là lần đầu tiên trong gần 5 tháng qua, Hàn Quốc lại công kích Triều Tiên bằng phát thanh. Phía Triều Tiên nhấn mạnh, họ xem các chương trình phát thanh này tương đương với hành động gây chiến. 

trua_nay_han_quoc_noi_lai_hoat_dong_tuyen_truyen_chong_trieu_tien_gay_tranh_cai_0758_uzrd.jpg
Hàn Quốc nối lại các chương trình phát thanh chống Triều Tiên ở biên giới. (ảnh: Yonhap).

Trước đó, phát biểu trước đám đông ở quảng trường Kim Il Sung, Bình Nhưỡng, một lãnh đạo cấp cao của Đảng cầm quyền Triều Tiên cũng đã tuyên bố, các chương trình phát thanh của Hàn Quốc, cùng với các cuộc đàm phán giữa Washington và Seoul về việc triển khai chiến đấu cơ có khả năng mang bom hạt nhân, đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến gần hơn “bờ vực chiến tranh”.

Kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng vào cuối ngày 8/1 dẫn lời Bí thư Đảng Lao động Kim Ki Nam nói, các đối thủ của Bình Nhưỡng đang “ghen tị” với việc thử bom nhiệt hạch thành công của nước này.  Cùng ngày ngày 8/1, khoảng 100.000 người dân Triều Tiên đã đến Quảng trường Kim Il Sung để mít tinh chào mừng sự kiện nước này thử bom nhiệt hạch thành công. 

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm và nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc đưa ra những biện pháp thích hợptrừng phạt Triều Tiên.

Cùng lúc đó, Nhật Bản và Anh cũng đã tiến hành 1 cuộc hội đàm ở Tokyo và cùng “lên án mạnh mẽ” vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, coi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh và hòa bình thế giới. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy việc thông qua một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống Triều Tiên.

Ngày 8/1, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng thúc giục nước này cần phải tôn trọng các cam kết phi hạt nhân hóa và tránh có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. 

2, Tại Ai Cập, truyền hình nước này đêm 8/1 đưa tin, một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tối cùng ngày tại một khách sạn ở thành phố du lịch Hurghada bên bờ Biển Đỏ. 

Lực lượng an ninh đứng phía ngoài hiện trường vụ tấn công- khách sạn Bella Vista, khu nghỉ mát Hurghada, Ai Cập. (ảnh: Reuters).

3 kẻ vũ trang chưa rõ danh tính đã bất ngờ xông vào khách sạn Bella Vista ở giữa trung tâm Hurghada và đâm bị thương 2 du khách mang quốc tịch Thuỵ Điển. Lực lượng an ninh đã bắn chết một trong 3 kẻ tấn công và bắn bị thương một tên khác. Số phận kẻ cuối cùng trong nhóm tấn công chưa được xác định. 

Dù không gây hậu quả nghiêm trọng như nhiều vụ tấn công khủng bố xảy ra trước đó tại các khu vực khác, song vụ tấn công khách sạn Bella Vista ở thành phố Hurghada hôm qua vẫn được coi là một đòn đánh mạnh nữa giáng vào ngành du lịch Ai Cập vốn đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn sau rơi máy bay Nga trên bán đảo Sinai của Ai Cập hồi cuối tháng 10/2015 khiến 217 du khách Nga thiệt mạng.

3, Trong buổi họp báo tại Berlin ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Tobias Plate cho biết, cảnh sát đã xác định được danh tính 31 người liên quan đến vụ bạo lực đêm giao thừa tại Cologne, trong đó có 18 người đang xin tị nạn tại Đức. 

Cảnh sát Đức ở thành phố Cologne. (ảnh: The Australian News).

Trong số 31 người bị thẩm vấn, có 9 người Algeria, 8 người Maroc, 5 người Iran, và 4 người Syria. Hai đối tượng người Đức, một người Iraq, một người Serbia và một người Mỹ cũng bị cáo buộc tham gia các vụ quấy rối và phá phách trong đêm Giao thừa.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố sẽ sửa đổi luật về người di cư. Thủ tướng Merkel cho biết, việc sửa đổi luật pháp của Đức là cần thiết sau các vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối ở Cologne.

Bộ trưởng Nội vụ bang Nordrhein-Westfalen, ông Ralf Jäger cùng ngày 8/1 cũng đã quyết định sa thải cảnh sát trưởng thành phố Cologne vì để xảy ra hàng loạt vụ tấn công trong đêm Giao thừa vừa qua. Theo đó, cảnh sát trưởng thành phố Cologne sẽ phải nghỉ hưu sớm. Quyết định này được xem là động thái nhằm “lấy lại niềm tin của công chúng”.

4, Trùm ma túy Mexico "El Chapo" Guzman đã bị bắt trở lại trong một cuộc đột kích ngày 8/1 và được đưa trở lại nhà tù nơi gã đã từng trốn thoát từ 6 tháng trước.

Ông trùm Guzman bị bắt tại thành phố ven biển Los Mochis, thuộc tiểu bang Sinaloa sau một cuộc vây ráp nghẹt thở và 5 tên tòng phạm đã bị chết vào sáng 8/1. 

Bức ảnh do nguồn tin giấu tên cung cấp, được chụp vào thời điểm Joaquin "El Chapo" Guzman bị bắt lại ngày 8/1. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tổng chưởng lý Arely Gomez nói với phóng viên rằng, ông trùm Guzman sẽ bị áp giải trở lại nhà tù Altiplano, cách thành phố Mexico khoảng 90km về phía tây.

Nhà tù Altiplano là một nhà tù an ninh bậc nhất Mexico. Vào ngày 11/7/2015, ông trùm ma túy Guzman đã thực hiện cú vượt ngục đầy kịch tính từ nhà tù này: tên trùm đã đào lỗ trong buồng tắm, trèo lên một chiếc xe máy và đi qua một đường hầm dài 1,5km để thoát khỏi nhà tù.

Tổng thống Mexico, Nieto viết trên trang Twitter của mình rằng: "Nhiệm vụ hoàn thành: Chúng tôi đã bắt được hắn ta”.

5, Chính phủ Mỹ ngày 8/1 đã công bố một loạt biện pháp mới nhằm chống lại những kẻ cực đoan lớn lên ngay trong lòng nước Mỹ. 

Vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố San Bernardino (Mỹ) làm nhiều người chết. Ảnh: New York Times.

Trong số những biện pháp công bố ngày 8/1, chính quyền Mỹ cũng dự định thành lập một lực lượng đặc nhiệm và một trung tâm kết nối toàn cầu. 

Biện pháp do người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Ned Price đề xuất, nhằm mục đích tăng cường các nỗ lực của Mỹ và quốc tế trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. 

Theo các biện pháp đề ra, Bộ Tư pháp và Bộ an ninh nội địa Mỹ sẽ thành lập lực lượng chống bạo lực cực đoan có nhiệm vụ thống nhất và phối hợp các nỗ lực của các tổ chức, cơ quan tại Mỹ trong cuộc chiến này./.