1.Trong thông cáo đưa ra ngày 29/10, PCA cho biết, “tòa nhận thấy cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế “phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS”.
“PCA cũng nhận thấy rằng, quyết định của Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của PCA và việc Philippines quyết định đơn phương tiến hành vụ kiện không hề vi phạm tiến trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS”, thông báo của PCA nêu rõ.
Một phiên xét xử của PCA. Ảnh PCA |
“Với những gì đang diễn ra, PCA kết luận rằng, tại thời điểm này, PCA có quyền ra phán quyết rằng PCA có quyền xét xử 7 vấn đề mà phía Philippines đệ trình”, vẫn theo PCA.
PCA cũng kết luận rằng, 7 vấn đề khác mà Philippines đệ trình cần phải được xem xét kỹ lưỡng liên quan đến vụ kiện nói trên. PCA đã yêu cầu Philippines làm rõ và thu hẹp một trong số các vấn đề mà nước này đệ trình.
Mỹ hoan nghênh phán quyết của PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc
2.Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wu Shengli cảnh báo Mỹ về nguy cơ “chỉ một xung đột nhỏ có thể gây ra chiến tranh ở Biển Đông”.
Tuyên bố trên được Đô đốc Wu Shengli đưa ra với người đồng cấp Mỹ John Richardson trong cuộc điện đàm ngày 30/10 cùng với cáo buộc Mỹ có “những hành động khiêu khích ở Biển Đông”.
Tàu USS Lassen của Mỹ. Ảnh Hải quân Mỹ |
“Nếu Mỹ tiếp tục những hành vi nguy hiểm và khiêu khích như trên, rất có thể quân đội hai nước sẽ bị dồn ép phải đối mặt với nhau cả ở trên không và trên biển và chỉ một xung đột nhỏ cũng có thể gây ra chiến tranh”, ông Wu Shengli đe dọa.
“Tôi hy vọng rằng phía Mỹ trân trọng mối quan hệ tốt giữa Hải quân hai nước hiện nay vốn không dễ dàng gì mới có thể đạt được và tránh việc những xung đột đó có thể lặp lại”, ông Wu Shengli nói thêm.
Hải quân Trung Quốc và Mỹ nhất trí tránh đụng độ trên biển
3.Nhà Trắng ngày 29/10 khẳng định, các máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc đã ngăn chặn máy bay ném bom của Nga bay gần tàu sân bay USS Ronald Reagan tại vùng biển Nhật Bản hồi đầu tuần qua.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/10, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, vụ việc diễn ra khi Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc trong "vùng biển quốc tế" ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Reagan của Mỹ. Ảnh Hái quân Mỹ |
Chiếc máy bay của Nga - số hiệu không được tiết lộ - đầu tiên đã bị ngăn chặn bởi 1 chiến đấu cơ Hàn Quốc. Sau đó 4 chiến đấu cơ F/A-18 thuộc phi đội số 5 của tàu USS Ronald Reagan được điều lên hộ tống máy bay ném bom Nga rời khu vực này. Theo ông Earnest, rất may vụ việc trên không dẫn đến hậu quả đáng tiếc nào.
"Chúng tôi đã từng bày tỏ quan ngại về việc máy bay quân sự của Nga thực hiện các cuộc xâm nhập vào chủ quyền của nước khác", ông Earnest nói.
4. Trước thềm cuộc đối thoại về Syria, Washington ngày 29/10 tuyên bố, vẫn giữ nguyên yêu cầu rằng, Tổng thống Bashar al- Assad phải ra đi.
Tuy nhiên, theo Reuters, cuộc đối thoại lần này sẽ lần đầu tiên có sự hiện diện của Iran, đồng minh thân cận của ông Assad. Các chuyên gia nhận định, điều này thể hiện vị thế ngày càng gia tăng của ông kể từ khi Nga tiến hành các cuộc không kích chống IS tại Syria để ủng hộ chính thể của ông Assad.
Tương lai chính trị của ông Assad vẫn là một dấu hỏi lớn trước thềm cuộc đối thoại về Syria. Ảnh AP |
Trước đó, suốt hơn 4 năm xảy ra cuộc nội chiến tại Syria, Iran đều không được mời tham dự các cuộc đối thoại hòa bình quốc tế liên quan đến tình hình Syria và các cuộc đối thoại này đều thất bại.
Tuy nhiên, tròn một tháng sau khi Nga tiến hành các cuộc không kích IS, tình thế đã thay đổi và các bên từng yêu cầu ông phải từ chức như Mỹ, EU và Saudi Arabia đã phải nhượng bộ để Iran có một ghế trong cuộc đàm phán.
“Những nước muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria đều đã đi đến kết luận rằng, nếu không có sự hiện diện của Iran, sẽ không có cách nào để có thể đạt được một giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng này”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif tuyên bố trước khi đến Vienna dự cuộc đàm phán ngày hôm nay (30/10).
Trong khi đó, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Shannon cho biết, ông Kerry có thể tận dụng cuộc đối thoại này để xem Nga và Iran có sẵn sàng chấp nhận việc thay đổi người đứng đầu tại Syria hay không cũng như quyết tâm của 2 nước này trong cuộc chiến chống IS.
Cũng theo ông Shannon, ông Kerry sẽ tìm hiểu xem Iran và Nga “sẽ chấp thuận ở mức độ nào việc hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm thuyết phục ông Assad rằng, trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Syria, ông ta sẽ phải ra đi”.
5. Quốc hội Campuchia do Đảng Nhân dân chiếm đa số sáng 30/10 đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch thứ nhất đối với ông Kem Sokha.
Thông tin trên được Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin đưa ra sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc 9h sáng cùng ngày.
Nguyên Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia Kem Sokha khi còn tại vị. Ảnh Cambodian Herald |
Theo các nghị sỹ Quốc hội, việc bỏ phiếu miễn nhiệm ông Kem Sokha - Phó Chủ tịch Đảng Cứu quốc đối lập (CNRP) - được tiến hành theo “yêu cầu của nhân dân” do những người biểu tình đưa ra trong một bức thư gửi Quốc hội ngày 26/10 vừa qua.
Trước đó, ngày 26/10, hàng nghìn người dân Campuchia đã tổ chức biểu tình trước tòa nhà Quốc hội yêu cầu Chủ tịch Quốc hội và các nghị sỹ bỏ phiếu miễn nhiệm ông Kem Sokha vì đã có những hoạt động tuyên truyền, xúi giục, chia rẽ nhân dân, làm mất an ninh trật tự, gây sự thù hận dân tộc, không xứng đáng là người lãnh đạo của cơ quan quyền lực tối cao.
6. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 30/10 cho biết, Triều Tiên đang đào một đường hầm mới tại một địa điểm thử hạt nhân.
Theo Yonhap, hoạt động tăng cường công nhân và máy móc xây dựng một đường hầm mới, cho thấy ý định của Triều Tiên có thể thử hạt nhân vào một thời điểm nào đó.
Hình ảnh vệ tinh một đường hầm của Triều Tiên gần một bãi thử hạt nhân của nước này. Ảnh Telegraph |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có chuyến thăm đến Hàn Quốc vào cuối tuần này, nhằm thảo luận với các quan chức quốc phòng Hàn Quốc về những biện pháp đối phó với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc chưa có bình luận về thông tin này, nhưng cho biết Hàn Quốc và Mỹ đang xem xét chặt chẽ cho bất cứ hoạt động hạt nhân nào tại Triều Tiên.
7. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 31/10 sẽ bắt đầu chuyến thăm 8 ngày tới châu Á.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong chuyến thăm này ông Carter sẽ thảo luận với các đồng minh và đối tác giai đoạn tiếp theo trong chính sách tái cân bằng châu Á của quân đội Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh Reuters |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có cuộc gặp lãnh đạo của hơn 10 nước Đông Á và Nam Á, nhằm thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của chính sách tái cân bằng quân sự của Mỹ trong khu vực, bằng việc thúc đẩy mối quan hệ với các đồng minh lâu đời và xây dựng đối tác mới.
Ông Carter cũng sẽ tham dự Cuộc họp tham vấn an ninh Mỹ- Hàn lần thứ 47 tại Seoul và cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng tại Malaysia. Trong chuyến thăm tới châu Á lần này, ông Carter cũng đến thăm Ấn Độ và Pakistan./.