1.Phát biểu ngày 16/11- 3 ngày sau khi diễn ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris mà IS lên tiếng nhận trách nhiệm- Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề ra một loạt các biện pháp nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố trên đất Pháp.
Tổng thống Pháp Hollande cùng các sinh viên Đại học Sorbonne mặc niệm cho các nạn nhân xấu số vụ khủng bố ở Paris. Ảnh AFP |
Ông Hollande cho biết, ông sẽ tăng thêm 5.000 nhân viên trong lực lượng an ninh, tăng thêm 2.500 nhân lực làm việc trong các nhà tù của Pháp và sẽ không giảm chi tiêu quốc phòng cho đến trước năm 2019.
Ông Hollande cam kết, các máy bay chiến đấu của Pháp sẽ tăng cường các cuộc tấn công và nhấn mạnh, ông sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vài ngày tới để thúc giục họ tăng cường các nguồn lực nhằm tiêu diệt IS.
“Chúng ta cần phải tập trung các lực lượng của mình để đạt được một kết quả đáng nhẽ cần phải đạt được sớm hơn nhiều”, ông Hollande tuyên bố.
Cùng ngày, phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã coi vụ tấn công khủng bố ở Paris là “khủng khiếp và đáng ghê tởm”. Tuy nhiên, ông Obama khẳng định, các cuộc không kích bởi liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn đạt được những kết quả nhất định.
“Dù vẫn đang chia sẻ nỗi đau cùng những người bạn Pháp, chúng ta không được quên rằng, chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định”, ông Obama tuyên bố.
Tổng thống Pháp, lãnh đạo thế giới mặc niệm nạn nhân vụ khủng bố Paris
2.Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 16/11 tuyên bố: “Tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ lên đường đến Địa Trung Hải vào ngày 18/11”.
Tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle- tàu chỉ huy của Hải quân Pháp- dự kiến sẽ phải mất vài ngày mới đến được địa điểm tập trung gần vùng biển Syria hoặc Lebanon thay vì đến Vùng vịnh như kế hoạch ban đầu vào tháng 12.
Tàu sân bay Charles de Gaulle. Ảnh AP |
Mang theo 26 máy bay chiến đấu, tàu sân bay Charles de Gaulle được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực tiến hành các cuộc không kích của Pháp ở Syria cùng với 12 máy bay chiến đấu của nước này hiện đang đồn trú tại UAE và Jordan.
Theo ông Hollande, với tổng cộng 38 máy bay chiến đấu, Pháp “hoàn toàn có thể tăng cường chiến dịch không kích của mình ở Syria.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục không kích trong các tuần kế tiếp. Sẽ không có chuyện giãn mật độ hay ngừng việc tấn công”, ông Hollande khẳng định.
“Pháp đang có chiến tranh. Chúng ta đang chiến đấu chống lại những tên khủng bố Thánh chiến đang đe dọa an ninh toàn cầu”, ông Hollande nhấn mạnh.
Mỹ đưa tàu sân bay USS Harry Truman đến Trung Đông chống khủng bố
3.Tổng thống Nga Putin dựa vào các dữ liệu tình báo để khẳng định nhóm khủng bố IS nhận tài trợ từ các nguồn ở 40 nước, kể cả một số nước G20.
Tổng thống Nga Putin cho hay ông đã chia sẻ với các nguyên thủ G20 các dữ liệu tình báo của Nga về vấn đề tài chính của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan IS. Theo dữ liệu đó, có dấu hiệu khẳng định nhóm IS được tài trợ bởi các nguồn từ 40 nước, bao gồm cả một số quốc gia thành viên nhóm G20.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh Sputnik |
Ông nói: “Tôi đã giới thiệu với các vị đồng cấp của mình các bức ảnh được chụp từ vệ tinh và từ máy bay. Các bức ảnh cho thấy rõ quy mô buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm dầu mỏ.... Các đoàn xe tiếp nhiên liệu [của IS] trải dài hàng chục kilomet nên từ độ cao 4-5km, sẽ thấy đoàn xe trải dài quá đường chân trời”.
Theo Tổng thống Putin, hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để xác định xem nước nào hiệu quả nhiều và nước nào hiệu quả ít trong cuộc chiến chống IS, và giờ đây một nỗ lực quốc tế thống nhất là cần thiết để đương đầu với nhóm khủng bố IS.
Tổng thống Nga cho biết thêm: “Chúng tôi thực sự cần sự ủng hộ của Mỹ, châu Âu, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran”.
G20 ra tuyên bố riêng rẽ về chống khủng bố, quyết tâm tiêu diệt IS
VOV.VN- Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này đã ra một tuyên bố riêng rẽ về chống khủng bố, tiêu diệt IS và giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan.
G20 ra tuyên bố riêng rẽ về chống khủng bố, quyết tâm tiêu diệt IS
4. Cơ quan An ninh Nga xác nhận vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập là do bị tấn công khủng bố sau khi phát hiện dấu vết chất nổ trong các mảnh vỡ máy bay.
Thông tin trên được chính Giám đốc Cơ quan An ninh Nga Aleksandr Bortnikov báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin.
Hiện trường vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập. Ảnh AP |
“Chúng tôi có thể khẳng định rằng, vụ rơi máy bay ở Ai Cập là một hành động tấn công khủng bố”, ông Bortnikov nói.
Theo ông Bortnikov, các chuyên gia đã phân tích hành lý của của các hành khách và các mảnh vỡ máy bay. “Sau khi đã xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi đã phát hiện ra dấu vết chất nổ “do nước ngoài chế tạo” trên các mảnh vỡ máy bay”.
“Trong khi máy bay đang bay, một quả bom tự chế có sức công phá tương đương 1,5kg thuốc nổ TNT đã được kích nổ. Chiếc máy bay này sau đó nổ tung trên không khiến các mảnh vỡ rải rác trong một khu vực rất rộng”, ông Bortnikov nói.
5. Chủ tịch Đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy ngày 16/11 đã trì hoãn về nước sau chuyến công du Hàn Quốc do lo ngại có thể bị bắt giữ.
Cùng ngày, Quốc hội Campuchia cũng đã tước quyền miễn trừ đối với ông Sam Raisy.
Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định, ông Sam Raisy sẽ bị bắt ngay khi đặt chân xuống sân bay.
“Sẽ không có sự nhân nhượng nào về chính trị đối với ông Sam Raisy vì ông đã bị tước mọi quyền lợi về chính trị”, ông Phay Siphan nói.
Campuchia giải thích lệnh bắt Chủ tịch Đảng đối lập Sam Rainsy
6.Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản ngày 17/11 cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật-Australia (2+2) dự kiến tổ chức tại Australia vào ngày 22/11 tới.
Tại Hội nghị này hai bên sẽ tập trung thảo luận về dự án Australia sẽ mua tàu ngầm của Nhật. Đây là dự án hợp tác an ninh lớn được hai nước thỏa thuận từ nhiều năm nay.
Liên quan tới dự án phát triển tàu ngầm chung giữa Nhật và Australia, Thủ tướng Abe trong một phát ngôn đã cho rằng đây là sự hợp tác có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ Nhật-Australia ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và cả hai bên đang nỗ lực để thực hiện dự án một cách thành công nhất.
Trong một động thái khác, Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull bên lề Hội nghị cấp cao G20 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc mở rộng hoạt động đơn phương tại Biển Đông và Hoa Đông là hành động gây lo ngại lớn cho cả khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc rầm rộ cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh CSIS/AMTI |
Hai Thủ tướng cũng đã bày tỏ lo ngại đối với hành động đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại những khu vực trên và thống nhất sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ “trật tự biển quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế”./.