1.Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng xác nhận về sự có mặt của quân đội Nga tại Syria sau khi truyền thông Mỹ tuần trước bày tỏ lo ngại Nga sẽ “động binh” tại quốc gia Trung Đông này.

sy_bybc.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga Lavrov về thông tin Nga sẽ can thiệp quân sự vào Syria. (ảnh: AP)

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các chuyên gia quân sự này hỗ trợ việc chuyển giao vũ khí cho Syria phục vụ chiến dịch chống khủng bố.

Bà Maria Zakharova cũng khẳng định Nga chưa từng che giấu việc hợp tác quân sự và kỹ thuật với Syria. Thực tế trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đều đã xác nhận việc Nga đang hỗ trợ Syria với các thiết bị quân sự và huấn luyện cho binh sĩ Syria trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Lời xác nhận có chuyên gia quân sự Nga ở Syria được đưa ra trong bối cảnh báo chí phương Tây và Israel nói rằng tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân Nga đang trên đường tới Syria; đồng thời máy bay quân sự “khổng lồ” của Nga đã hiện diện tại quốc gia Trung Đông này.

Xem thêm: Máy bay quân sự 'khổng lồ' của Nga đã đến Syria?

2.Cảnh sát Thái Lan vừa thông báo tình tiết mới về lời khai của một nghi phạm trao balo cho kẻ đánh bom đền Erawan ở Bangkok tối 17/8.

Theo đó, một nghi phạm chính khai rằng hắn đã gặp kẻ thực hiện vụ tấn công bên ngoài một ga tàu điện để đưa chiếc balô chứa bom trước khi vụ nổ xảy ra.

Hiện trường vụ đánh bom đền Erawan. (ảnh: Reuters)

AP dẫn thông báo của người phát ngôn cảnh sát Thái Lan Prawut Thavornsiri cho biết, kẻ tình nghi đã khai với các nhà điều tra rằng chiếc balô có chứa một quả bom và rất nặng.

Cảnh sát Thái Lan nhận dạng tên này là Yusufu Mierili và đã áp giải tên này tới hiện trường nơi hắn trao balo chứa bom cho kẻ tấn công và hiện trường vụ đánh bom tại đền Erawan. Đây là một trong 2 kẻ tình nghi bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ kể từ sau vụ tấn công.

Đến nay, nhà chức trách Thái Lan vẫn đang ráo riết tìm kiếm nghi phạm đã trực tiếp thực hiện vụ đánh bom đền Erawan tối 17/08, làm hơn 20 người chết.

3.Trong cuộc phỏng vấn của ABC News, bà Hillary Clinton bất ngờ nói lời xin lỗi về việc dùng tài khoản email cá nhân khi còn là Ngoại trưởng Mỹ.

Ứng viên Tổng thống Mỹ nói với ABC News: “Đó là một sai lầm. Tôi xin lỗi. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. Những điều tôi đã làm đều được cho phép và đó là sự thật. Ngay cả ở thời điểm hiện tại khi nhìn lại, tôi nghĩ mình vẫn nên sử dụng hai tài khoản email, một dùng cho cá nhân, và cái còn lại cho công việc”.

Cuộc phỏng vấn của ABC News với bà Hillary Clinton.

Theo Cục điều tra liên bang FBI, trong thời gian làm Ngoại trưởng, bà Hillary đã chuyển hơn 55.000 email. Bộ Ngoại giao đã công bố 31.000 email được cho là cá nhân của bà. FBI vẫn tiếp tục kiểm tra email cá nhân của bà Clinton xem liệu có bất kỳ thông tin nào, bao gồm tài liệu mật, được xử lý sai hay không.

Đây là điều hoàn toàn bất ngờ trong khi trả lời phỏng vấn APtrước đó, bà Hillary Clinton  vẫn nói rằng, không cần phải xin lỗi vì đã sử dụng email cá nhân vì “tôi được phép làm thế”.

ABC News đăng cuộc phỏng vấn với bà Hillary đồng thời với kết quả cuộc thăm dò dư luận của hãng về uy tín của bà gần đây khi tỷ lệ ủng hộ bà đang giảm. Mặc dù vậy, bà Clinton vẫn lạc quan về tương lai của chiến dịch của mình.

4. Hungary phát hiện 2 kẻ khủng bố đã vào Tây Âu

Lực lượng chức năng Hungary ngày 8/9 phát hiện 2 kẻ khủng bố người Arab trà trộn dòng người tị nạn vào các nước Tây Âu. Lực lượng này  phát hiện hai kẻ tình nghi trên thông qua thông tin trên tài khoản mạng xã hội Facebook của chúng.

Người tị nạn lên xe buýt từ Hungari sang Đức.

Hungary đang là điểm nóng của cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Châu Âu khi nước này đang trở thành nước trung chuyển lựa chọn hàng đầu của người di cư từ Bắc Phi và Trung Đông muốn tới các nước giàu có tại Châu Âu.

Theo Bộ Nội vụ nước này, kể từ đầu năm tới nay đã có 165.000 người tị nạn đặt chân đến Hungary, cao gấp bốn lần so với con số của cả năm ngoái cộng lại.

5.“Tình hình miền Đông Ukraine vẫn rất thảm khốc”

Gần 8.000 người đã thiệt mạng và hơn 17.000 người khác bị thương trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine kể từ giữa tháng 4/2014.

Trong một báo cáo đưa ra hôm qua, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, số người dân bị thương vong vẫn tiếp tục gia tăng do căng thẳng tại miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Miền Đông Ukraine vẫn xảy ra xung đột bất chấp lệnh ngừng bắn. (ảnh: EPA)

Ông Gianni Magazzeni, người đứng đầu văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Trung Á, châu Âu và châu Mỹ cho biết: “ Tình hình ở Ukraine vẫn tiếp tục xấu đi bởi xung đột tại các khu vực Donetsk và Lugansk. Xung đột tiếp diễn dẫn đến tình trạng vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Đây thực sự là một thảm kịch.”

Theo báo cáo của văn phòng nhân quyền LHQ, các cuộc pháo kích nhằm vào các khu dân cư của cả lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đã khiến hơn 100 dân thường thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương chỉ trong vòng 3 tháng gần đây./.