1. Tổng thống Vladimir Putin ngày 9/12 ra lệnh cho Chính phủ tiến hành kiện Ukraine nếu nước này không thể trả nổi khoản nợ lên tới 3 tỷ USD cho Nga. 

Trước đó, tranh cãi giữa Nga và Ukraine về khoản nợ này đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dừng gói cứu trợ lên đến 17,5 tỷ USD dành cho Ukraine khiến nước này không thể trả được những khoản nợ của mình, trong đó có số tiền 3 tỷ USD nợ Nga. 

tin_smdz_ixti_pvgv.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT).

Trước tình hình đó, cả ông Siluanov và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đều lên tiếng kêu gọi Tổng thống Putin tiến hành kiện Ukraine nếu nước này tuyên bố không thể trả được khoản vay từ Nga.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 9/12, Thủ tướng Nga Medvedev nhấn mạnh, ông nghĩ rằng Nga và Ukraine “không còn cơ hội” để đi đến thỏa thuận giải quyết số nợ nói trên.

Trong khi đó, Ukraine vẫn tỏ ra cứng rắn trước khả năng bị Nga kiện. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk nhấn mạnh, Ukraine sẵn sàng đáp trả nếu Nga sử dụng biện pháp pháp lý. 

Ngày 8/12, Điện Kremlin cho biết, đã đưa ra đề nghị cuối cùng với Ukraine về việc tái cấu trúc khoản nợ của nước này, tuy nhiên, đề nghị này của Nga bị Ukraine từ chối.

2. Mới đây, tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là “nhân vật của năm 2015”. 

Lý giải cho sự lựa chọn này, tạp chí Time cho biết, họ đánh giá cao khả năng lãnh đạo của bà Angela Merkel trong bối cảnh nước Đức phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn và những bất ổn về vấn đề tiền tệ của Liên minh châu Âu trong năm nay. 

Bà Merkel rất được lòng người tị nạn khi mở rộng cánh cửa châu Âu tiếp nhận họ. Trong ảnh là một người tị nạn chụp ảnh cùng Thủ tướng Đức. Ảnh AFP.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết Thủ tướng Merkel coi việc bà được bầu chọn là “nhân vật của năm” như một sự khích lệ trong công việc.

Hồi tháng trước, bà Merkel đã kỷ niệm 10 năm cầm quyền của mình. Hiện bà là nhà lãnh đạo lâu năm nhất Liên minh châu Âu. 

3. Ngày 9/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định, việc triển khai quân đội tới Iraq là theo yêu cầu của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. 

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq. Ảnh AP.

Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Quốc hội Iraq ra thông cáo phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa binh sĩ xâm nhập trái phép lãnh thổ Iraq dưới mọi danh nghĩa và hình thức, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút quân khỏi lãnh thổ của mình.

Trước đó, Chính phủ Iraq cũng liên tiếp thể hiện quan điểm phản đối mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước đưa gần 150 binh sĩ cùng 25 xe tăng tới vùng Bashiqa để thay thế đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện lực lượng dân binh người Kurd cách đây 2 năm rưỡi, mà không có sự đồng ý của Chính phủ Iraq. 

Ngày 7/12, Thủ tướng Iraq Abadi đã ra tối hậu thư để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện việc rút quân trong vòng 48 giờ.

4. Ngày 9/12 các dân quân dòng Shiite (có mối quan hệ gần gũi với Iran) đã đe dọa sẽ tấn công lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tới lãnh thổ Iraq nếu như lực lượng này không chịu rút lui khỏi đây.

Lời đe dọa mà lực lượng Shiite mới đưa ra đã tạo thêm áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này tuyên bố quân đội của họ vào Iraq là để huấn luyện cho các lực lượng Iraq (người Kurd Iraq) kỹ năng chiến đấu chống tổ chức khủng bố IS. 

Lực lượng dân quân Shiite Iraq. Ảnh: AFP.

Karim al-Nuri, một phát ngôn viên của lữ đoàn Badr – liên minh lớn nhất của các dân quân Shiite, coi việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào Iraq là ngang hàng với việc IS chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ của Iraq. Người này cho biết, họ để ngỏ mọi khả năng hành động.

Riêng Jafaar Hussaini, một phát ngôn viên của một nhóm vũ trang Shiite Iraq (nhóm Kataib Hezbollah) cho hay, không loại trừ khả năng dùng vũ lực.

Ông này nói với Reuters: “Chúng tôi nói rằng giải pháp quân sự là có thể được áp dụng. Trong vài ngày tới chúng tôi có thể khởi động các chiến dịch chống lại người Thổ, có thể là binh sĩ của họ hoặc các lợi ích của họ ở Iraq”.

5. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa hé lộ rằng, nước này đã phát triển thành công bom nhiệt hạch. Theo AFP, đây được coi là một bước tiến lớn trong việc tăng cường năng lực hạt nhân của Triều Tiên. 

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh AFP.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 10/12 cho biết, trong quá trình thị sát một địa điểm lịch sử quân sự ở Triều Tiên, ông Kim Jong- un khẳng định Triều Tiên giờ “đã trở thành một cường quốc hạt nhân và luôn sẵn sàng kích hoạt những quả bom hạt nhân và bom nhiệt hạch mà nước này tự sản xuất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. 

Triều Tiên đã nhiều lần úp mở về việc sở hữu những loại vũ khí “mạnh hơn rất nhiều”, tuy nhiên, tuyên bố của ông Kim Jong-un được cho là lần đầu tiên bom nhiệt hạch được nhắc đến.

Trước đó, Triều Tiên cũng nhiều lần tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vào nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bác bỏ điều này và khẳng định, ít nhất là cho đến giờ Triều Tiên vẫn chưa thể làm được điều này./.