1.NATO ngày 6/10 bác bỏ lời giải thích của Nga rằng chiến đấu cơ của Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ “chỉ là tình cờ” khi đangkhông kích ISở Syria.
Máy bay Su-30- một trong số các loại máy bay của Nga đang tham gia không kích tại Syria. Ảnh Irkut |
Không những thế, NATO còn cáo buộc Nga đang đưa thêm bộ binh và tìm cách tăng cường hiện diện Hải quân tại Syria.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã nhận được những báo cáo về việc Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria, bao gồm cả việc đưa bộ binh đến nước này cũng như nhiều tàu chiến của Nga đang xuất hiện tại phía Đông Địa Trung Hải.
“Tôi sẽ không phỏng đoán về các vụ xâm phạm không phận của Nga, tuy nhiên, rất khó có thể tin đây chỉ là sự tình cờ và chúng tôi đã chứng kiến 2 vụ như vậy”, ông Stoltenberg nói và cho biết “thời gian máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ là khá lâu”.
Theo NATO, vụ việc này là “cực kỳ nguy hiểm” và “không thể chấp nhận được” cũng như có thể làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng khi máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ cùng tham gia các chiến dịch không kích ở Syria lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, chiếc máy bay Su-30 của nước này bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ “trong vòng có vài giây” là một sự tình cờ do thời tiết xấu còn vụ thứ 2 thì Nga đang xem xét.
Tuy nhiên, theo ông Stoltenberg, NATO vẫn chưa nhận được “lời giải thích thích đáng từ phía Nga” về vụ xâm phạm không phận này.
Mỹ muốn nhưng Nga chưa lên tiếng về hoạt động không kích ở Syria
2. Các quan chức chống khủng bố của Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Toyota xác minh tại sao IS lại có thể sở hữu một lượng lớn xe ô tô của hãng này.
Trong đó, rất nhiều xe bán tải và các xe thể thao đa dụng (SUV), thường xuất hiện trong các đoạn video được IS tải trên mạng.
Phiến quân IS trên những chiếc xe Toyota. Ảnh AP |
Theo Toyota, hãng không biết tại sao IS lại có được các loại xe này, song sẽ nỗ lực phối hợp với phía Mỹ để điều tra về vấn đề này nhằm ngăn chặn các hàng hóa được sản xuất cho thị trường châu Âu lại lọt vào tay các nhóm khủng bố.
Trong khi đó theo một bài báo của Australia đăng tải mới đây, hơn 800 xe tải tại Sydney đã bị mất tích trong khoảng thời gian 2014-2015 và nhiều khả năng số xe này đã được đưa đến các khu vực của IS.
Theo báo cáo của Toyota, số xe Hilux và Land Cruisers của hãng này được bán ra thị trường Iraq đã tăng gấp 3 lần từ 6.000 chiếc của năm 2011 lên 18.000 chiếc của năm 2013, trước khi giảm xuống còn 13.000 chiếc vào năm 2014.
3. Cựu Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc John Ashe đã bị FBI bắt với cáo buộc nhận 1,3 triệu USD tiền hối lộ từ các doanh nhân Trung Quốc.
Vụ bắt giữ này liên quan đến một cuộc điều tra tham nhũng của FBI nhằm vào 6 quan chức cao cấp của Liên Hợp Quốc.
Ông Ashe khi còn đương chức. Ảnh RT |
FBI cho biết, Ashe, người từng là Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của Antigua và Barbuda và là Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thứ 68 năm 2013 đã bị bắt giữ tại Dobbs Ferry, New York, Mỹ ngày 6/10.
Theo cáo trạng của FBI, Ashe bị cáo buộc “gian dối thuế khi không khai báo và nộp số tiền thuế thu nhập cho khoản tiền lên đến hơn 1 triệu USD mà ông nhận hối lộ trong 2 năm 2013 và 2014”.
Chưởng lý Mỹ Preet Bharara tuyên bố: “Ashe đã “bán đứng” bản thân và tổ chức của mình để đổi lấy đồng hồ Rolex, những bộ cánh đắt tiền và cả một sân bóng rổ”.
Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cực sốc vì vụ này bởi nó nhằm thẳng vào quan chức đầu não của tổ chức này.
4. Ngày 7/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức công bố Nội các mới, đây là lần thứ 2 ông Abe cải tổ Nội các kể từ sau khi lên nắm quyền.
Thủ tướng Shinzo Abe trên đường đến nhiệm sở. Ảnh AFP |
Trong tổng số 19 vị trí thuộc Nội các cũ, Thủ tướng Nhật Bản đã tái bổ nhiệm đối với 9 vị trí quan trọng trong Chính phủ như, Bộ trưởng Tài chính, Chánh văn phòng Nội các, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Y tế-Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ trưởng Thông tin và các vấn đề đối nội, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính, Bộ trưởng Phụ trách chấn hưng kinh tế địa phương.
Các gương mặt mới trong Nội các Nhật Bản bao gồm ông Motoo Hayashi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp; Hạ nghị sĩ Hiroshi Moriyama đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp; Thượng nghị sĩ Tamayo Marukawa đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Môi trường; ông Hiroshi Hase đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Thể thao, Khoa học và Công nghệ thay thế ông Hakubun Shimomura đã đệ đơn từ chức từ trước đó do bê bối trong kế hoạch xây sân vận động quốc gia chuẩn bị cho Olympics 2020.
Đặc biệt, trong đợt cải tổ này, Thủ tướng Abe cũng chỉ định 3 nữ Bộ trưởng, đồng thời lập thêm một vị trí Bộ trưởng mới phụ trách các vấn đề cải thiện xã hội với tên gọi “Bộ thúc đẩy phát triển xã hội” nhằm hiện thực hóa kế hoạch tạo ra một xã hội có 100 triệu lao động tích cực trong chương trình Abenomics giai đoạn 2. Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato được giao trọng trách đứng đầu cơ quan mới này.
Một số thành viên Nội các mới của Nhật Bản đã được tái bổ nhiệm
5. Ngày 6/10, tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP), các nghị sĩ đã thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư và nhấn mạnh các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý để cuộc khủng hoảng này không lan rộng ra toàn thế giới.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhắc lại hiện hàng nghìn người di cư đang tới châu Âu vì cộng đồng châu Âu luôn “cởi mở và độ lượng”.
Một gia đình người tị nạn đang tìm cách vượt qua hàng rào biên giới giữa Hungary và Serbia. Ảnh Getty Images |
Chủ tịch Tusk cho rằng, nhiệm vụ chung của toàn châu Âu là phải giúp đỡ người di cư và bảo vệ biên giới ngoại khối. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên hiện nay là tái lập việc kiểm soát biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, cần phải xem xét các vấn đề người nhập cư ngay cả phạm vi bên ngoài châu Âu. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu phải phối hợp với nhau để hướng tới việc giúp đỡ những người nghèo khổ hiện đang cố gắng đến được bờ biển châu Âu.
“Khi vấn đề người tị nạn nằm trong chương trình nghị sự giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thì chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề này. Tôi sẽ có đề xuất với các đồng nghiệp của chúng tôi về chương trình người nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết./.