1. Ngày 24/2, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về một dự thảo nghị quyết về mở rộng trừng phạt Triều Tiên. Việc bỏ phiếu thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ được thực hiện trong những ngày tới.

kerry_wang_yi1_zlwu.jpg
Thỏa thuận về dự thảo nghị quyết mở rộng trừng phạt Triều Tiên đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: IRNA)

Theo nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên, Washington và Bắc Kinh đã đạt được sự đồng thuận về dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên và sẽ gửi văn bản này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thỏa thuận vừa nêu đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Cả Mỹ và Trung Quốc cùng cho biết không chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Mặc dù không tiết lộ chi tiết nội dung song bản dự thảo này được cho là đủ mạnh để buộc Triều Tiên phải xem xét lại chiến lược quân sự của mình.

Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, mục tiêu của nghị quyết không phải làm leo thang căng thẳng mà để buộc Triều Tiên nối lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.

Trước đó, ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa gần đây.

2. Giới chức Iraq hôm qua (24/2) cho biết, quân đội Mỹ đang tiến hành xây dựng 2 căn cứ quân sự mới tại tỉnh Anbar, phía Tây Iraq, nhằm hướng tới việc giải phóng hoàn toàn tỉnh thành mang tầm chiến lược này từ tay lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong thời gian tới.

Việc xây dựng thêm các căn cứ quân sự được lý giải sẽ giúp đội Mỹ hỗ trợ tốt hơn cho lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống IS. (Ảnh: AFP)

Theo nguồn tin quân sự tại tỉnh Anbar, quân đội Mỹ đang tiến hành xây dựng căn cứ mới tại khu vực Hamrah , phía Đông Bắc thành phố Falluja và một căn cứ quân sự khác gần mỏ khí đốt Akkas, khu vực biên giới Iraq tiếp giáp với Syria.

Ngoài 2 căn cứ quân sự mới này, Mỹ còn có 2 căn cứ quân sự khác tại khu vực Habbaniyah và Ayan al-Assad, tại tỉnh Anbar.

Việc xây dựng thêm các căn cứ quân sự sẽ giúp việc hỗ trợ của quân đội Mỹ cho lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống IS thêm hiệu quả. Thời gian qua, quân đội Iraq đã giành nhiều thắng lợi trước IS tại nhiều khu vực của tỉnh Anbar, trong đó có thành phố Ramadi.

3. Tuyên bố của Ủy ban đàm phán tối cao - bao gồm các nhóm đối lập tại Syria đưa ra hôm qua (24/2) nêu rõ, lệnh ngừng bắn này là cơ hội để thử mức độ chân thành với cam kết của các bên trong kế hoạch ngừng bắn do Nga - Mỹ đề xuất.

Dù một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được nhưng hy vọng về hòa bình cho Syria vẫn rất mong manh. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên lực lượng này cũng phản đối Nga là một bên đảm bảo cho lệnh ngừng bắn cùng với Mỹ, vì cho rằng Nga cũng là một bên trực tiếp đối với cuộc xung đột.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua, bày tỏ thận trọng về kế hoạch dừng các cuộc giao tranh tại Syria. Ông Obama cho rằng, nếu có một số bước tiến tại Syria thì điều đó sẽ giúp thúc đẩy một tiến trình chính trị chấm dứt cuộc chiến tại đây.

Chính phủ Syria trước đó cũng đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ đề xuất. Trong cuộc điện đàm hôm qua với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Syria Bashar Al Assad khẳng định, Chính phủ Syria sẵn sàng giúp thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, và các nhóm vũ trang khác.

4. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua (24/2), cảnh báo sẽ không hợp tác với các thỏa thuận của Liên minh châu Âu EU trong tương lai về cuộc khủng hoảng di cư, nếu gánh nặng không được chia sẻ công bằng giữa các nước thành viên.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Ảnh: Reuters)

Cảnh báo đưa ra khi Hy Lạp đang đối mặt với lượng người di cư đổ về nước này ở mức kỷ lục, trong khi Áo tuần trước đưa ra mức hạn ngạch tiếp nhận đơn tị nạn cũng như một số nước Balkan thắt chặt các điều kiện kiểm soát biên giới.

Thủ tướng Tsipras khẳng định, Hy Lạp sẽ không nhất trí với bất cứ thỏa thuận nào nếu gánh nặng và trách nhiệm không được chia sẻ công bằng.

Theo kế hoạch, ông Tsipras sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các đảng của Hy Lạp để nhất trí một lập trường chung đối phó với cuộc khủng hoảng, trước Hội nghị thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/3 tới tại Brussels (Bỉ), bàn về vấn đề di cư.

Thủ tướng Tsipras cũng lên tiếng chỉ trích các nước từ chối thực hiện quyết định chung được đưa ra ở cấp EU và thực hiện hành động đơn phương để đối phó với dòng người tị nạn. Hy Lạp hôm qua (24/2) cũng bị loại ra khỏi một một cuộc họp do Áo tổ chức để thảo luận về cuộc khủng hoảng với các nước Balkan.

5. Giới chức Nepal hôm nay (25/2) cho biết, đã tìm thấy thi thể tất cả 23 nạn nhân trong vụ rơi máy bay hôm qua, tại phía Tây nước này.

Thân nhân hành khách trên chuyến bay xấu số đau buồn vì mất người thân. (Ảnh: Reuters)

Ông Sagarmani Pathak, người đứng đầu huyện Myagdi, phía Tây Nepal cho biết, các thi thể này đã được chuyển tới một sân bay ở khu vực Surkepatal, sau đó đưa về thành phố Pokhara, phía Tây Nepal, để tiến hành xác minh.

Người phát ngôn quân đội Nepal Bahadur Karki cho biết, quân đội đã triển khai nhiều máy bay dân sự tới khu vực xảy ra vụ tai nạn để tiến hành hoạt động tìm kiếm cứu hộ. Chính phủ Nepal cũng thành lập một ủy ban điều tra vụ tai nêu trên.

Chiếc máy bay Twin Otter thuộc hãng hàng không Tara Air đã bị rơi tại khu vực Dana, thuộc huyện Myagdi vào hôm qua (24/2), làm 23 người thiệt mạng, trong đó có 3 thành viên phi hành đoàn, hai trẻ sơ sinh và 2 người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc và Kuwait.

Chiếc máy bay này bay từ thành phố Pokhara tới vùng núi Jomsom nhưng đã mất tín hiệu với trạm kiểm soát không lưu chỉ 10 phút sau khi cất cánh./.