1.Vụ tai nạn thảm khốc diễn ra khi đoàn tàu được cho là chở khoảng 250 hành khách đã đâm thẳng vào nhà ga, xuyên qua rào chắn của khu bán vé, khu vực tiếp đón và đâm vào bức tường phía trong ga Hoboken.Vụ tai nạn đã làm 3 người thiệt mạng, khoảng 115 người bị thươngtrong đó nhiều người bị thương nặng. Nhà ga Hoboken đã bị sập một phần mái và hư hại nghiêm trọng.
Trả lời báo giới chiều 29/9, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có sự liên quan giữa khủng bố và vụ tai nạn tàu hỏa nói trên nhưng vẫn không loại trừ khả năng này.
“Vào thời điểm này, chúng tôi chưa có bất cứ bằng chứng nào được phát hiện cho thấy có mối liên quan. Hiện Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đang tiếp tục điều tra một số vấn đề và tôi nghĩ rằng bây giờ là quá sớm để có thể loại trừ nguyên nhân khủng bố”, ông Earnest nói.
Trước đó, trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, thị trưởng New Jersey Chris Christie đã xác nhận số nạn nhân thương vong và cho biết người lái tàu bị thương nặng và đang được điều trị trong bệnh viện:
“Những gì mà chúng tôi biết là tàu này đã đi với tốc độ cao khi vào ga và xuyên qua tất cả các rào chắn và đâm vào bức tường bên trong của nhà ga Hoboken. Chúng tôi không biết nhiều về nguyên nhân xảy ra tai nạn. Hiện người lái tàu đang hợp tác chặt chẽ với giới chức để điều tra vụ việc”, ông Christie nói.
Hiện trường vụ tàu đâm vào nhà ga gây thương vong lớn ở Mỹ
VOV.VN - Sáng 29/9, một đoàn tàu lao vào nhà ga ở thành phố Hoboken, bang New Jersey, Mỹ, vào giờ cao điểm, khiến cả trăm người thương vong.
Hiện trường vụ tàu đâm vào nhà ga gây thương vong lớn ở Mỹ
2. Saudi Arabia cảnh báo Đạo luật 11/9 đang "làm suy yếu quyền miễn trừ quốc gia" và tác động tiêu cực đến nhiều nước khác, trong đó có cả Mỹ.
Mối quan hệ giữa Saudi Arabia với Mỹ sẽ gặp nhiều sóng gió sau quyết định thông qua Dự luật 11/9 của Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ phủ quyết của Tổng thống Mỹ Barack Obama về Dự luật Công lý chống lại hành động bảo trợ khủng bố - còn gọi là Dự luật 11/9 - cho phép gia đình các nạn nhân khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia và các nước liên quan, Saudi Arabia đã lên tiếng chỉ trích đồng thời cảnh báo, quyết định vừa nêu sẽ gây thiệt hại đáng kể về ngoại giao và kinh tế không chỉ trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ - Saudi Arabia.
Trong tuyên bố ngày 29/9, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã mạnh mẽ lên án việc Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật 11/9 cho phép các gia đình của hơn 3.000 nạn nhân vụ khủng bố 11/9 được phép khởi kiện Saudi Arabia và các quốc gia khác về những mất mát mà họ phải hứng chịu.
Tuyên bố khẳng định, Đạo luật 11/9 đang "làm suy yếu quyền miễn trừ quốc gia" và tác động tiêu cực đến nhiều nước khác, trong đó có cả Mỹ. Vô hình trung, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu về sau, nguy cơ đẩy các nước rơi vào những cuộc chiến trả đũa pháp lý lẫn nhau bằng pháp luật riêng của mình.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia bày tỏ hi vọng Quốc hội Mỹ sẽ có những “điều chỉnh hợp lý” để tránh những “hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn” về mọi phương diện có thể xảy ra.
Nghị sĩ Mỹ hối tiếc vì bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama
VOV.VN - Nhiều nghị sĩ Mỹ ngày 29/9 đã bày tỏ quan ngại về việc Quốc hội Mỹ ngày bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với Dự luật 11/9.
Nghị sĩ Mỹ hối tiếc vì bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama
3. Phía Mỹ vừa bất ngờ dọa cắt đứt liên lạc ngoại giao về Syria với Nga và bắn tin sẽ dùng giải pháp mạnh - bao gồm cả quân sự - để xử lý vấn đề Syria.
Một cuộc không kích của Nga tại Syria. Ảnh: Reuters |
Mỹ hôm 28/9 đã dọa cắt đứt kênh ngoại giao với Nga trong vấn đề Syria (trong đó có các hội đàm về khả năng thiết lập quan hệ đối tác chống lại chủ nghĩa cực đoan) nếu Nga không chấm dứt được cuộc tấn công cả trên không và trên bộ nhằm vào lực lượng phiến quân ở thành phố Aleppo của Syria.
Đây là một cảnh báo mạnh rất đáng lưu ý.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 28/9 điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, tố cáo Nga dùng bom cháy và bom phá boong-ke để tấn công các vị trí của phiến quân Syria. Phía Mỹ cáo buộc Nga cố tình tấn công các cơ sở y tế.
Lệnh ngừng bắn mong manh tại Syria do Nga và Mỹ kiến tạo đã đổ vỡ vào ngày 19/9 với các bên lên án nhau vi phạm trước. Chính quyền Syria đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn và chủ động mở các cuộc tấn công mới để tái chiếm Aleppo.
Lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào chiều tối ngày 12/9. Chỉ vài ngày sau đó đã lập tức xuất hiện những diễn biến nhạy cảm như Mỹ ném bom “nhầm” làm chết quân Syria (vụ này phía Nga, Syria cùng nhiều nước khác nghi là do Mỹ cố ý gây ra), và Mỹ tố Nga không kích vào đoàn viện trợ nhân đạo, bệnh viện và trường học ở Syria.
Mỹ nhấn mạnh lực lượng không quân Nga và Syria đã đánh vào các mục tiêu bệnh viện, gây thiệt mạng cho dân thường và nhân viên y tế.
Nga - Mỹ chỉ trích nhau gay gắt nhưng vẫn hợp tác trong vấn đề Syria
4. Ít nhất một người đã thiệt mạng, 15 người khác đã được giải cứu sau vụ lở đất kinh hoàng xảy ra ngày 28/9 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Hơn 2.000 nhân viên cứu hộ, cùng với các máy xúc đất và các thiết bị chuyên dụng khác đã được huy động tìm kiếm những người mất tích. Ảnh: Reuters |
Hơn 2.000 nhân viên cứu hộ, cùng với các máy xúc đất và các thiết bị chuyên dụng khác đã được huy động tìm kiếm 26 người vẫn còn mất tích trong vụ lở đất nói trên. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để đào bới các đống bùn đất với hy vọng tìm thêm những người còn sống sót.
Theo nhà chức trách địa phương, gần 400.000m3 khối đất đá đã từ khu vực vùng núi đã đổ xuống làng Sucun sau trận mưa lớn do bão Megi gây ra. Nhiều ngôi nhà đã bị cuốn trôi theo trận mưa lũ hoặc bị phá hủy nghiêm trọng. Hàng nghìn người đã phải đi sơ tán.
Trước đó, bão Megi đã khiến ít nhất 1 người thiệt mạng ở thành phố duyên hải Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, sau khi cướp đi sinh mạng của 4 người và làm hàng trăm người bị thương ở thành phố Đài Bắc. Nhiều trường học phải đóng cửa trong khi hàng chục chuyến bay bị hủy.
Ảnh cứu hộ Trung Quốc tìm người trong đống lở đất sau bão Megi
VOV.VN - Đội cứu hộ Trung Quốc chạy đua với thời gian tìm kiếm 26 người vẫn còn mất tích trong vụ lở đất do bão Megi, chôn vùi một ngôi làng ở Chiết Giang.
Ảnh cứu hộ Trung Quốc tìm người trong đống lở đất sau bão Megi
5. Quân đội Ấn Độ ngày 29/9 đã tiến hành một đợt nã pháo dữ dội dọc biên giới với Pakistan tại Kashmir.
Pakistan cáo buộc các cuộc tấn công của quân đội Ấn Độ đã làm 2 binh sĩ Pakistan thiệt mạng và làm nhiều người khác bị thương. Pakistan đồng thời tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ và tuyên bố sẽ đáp trả bằng các hành động quân sự.
Binh sĩ Pakistan tại khu vực biên giới với Ấn Độ. Ảnh: AP |
Hãng tin AFP của Pháp dẫn nguồn tin từ quân đội Pakistan cho biết, Ấn Độ “khai hỏa vô cớ” dọc theo Đường Kiểm soát (LoC) phân chia Kashmir, phần lãnh thổ hai nước có tranh chấp, làm hai binh sĩ nước này thiệt mạng.
Cuộc giao tranh kéo dài 6 giờ đồng hồ tại các khu vực Bhimber, Hot Spring, Kel và Lipa thuộc khu vực Pakistan kiểm soát. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif gọi đây là "sự gây hấn trần trụi" của Ấn Độ.
Tại cuộc họp báo khẩn cấp ngay sau các cuộc pháo kích, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammed Nafees Zakaria kêu gọi cộng đồng quốc tế cần gây áp lực để Ấn Độ chấm dứt các hành động như thế này.
“Ấn Độ đang thực hiện những hành động tội ác và vi phạm nhân quyền trắng trợn bằng các cuộc tấn công vũ trang. Trong suốt 83 ngày qua, các lực lượng Ấn Độ đã sát hại 100 người dân Kashmir vô tội gồm cả trẻ em phụ nữ, khiến hơn 12.000 người bị thương.
Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên phớt lờ hành động này của phía Ấn Độ, yêu cầu Ấn Độ phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để đảm bảo quyền tự quyết của người dân Kashmir theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Zakaria nói./.