1.Tối 16/9, một trận động đất mạnh 8,3 độ richter xảy ra tại khu vực bờ biển Chile, làm rung chuyển các tòa nhà ở thủ đô Santiago. Sau đó, xuất hiện một cơn sóng thần cao 4,5 mét ở thành phố ven biển Coquimbo (Chile).
nguoi_dan_ra_duong_sptz.jpg
Người dân đổ ra đường khi xảy ra động đất 8,3 richter (Ảnh Reuters).

Trận động đất xảy ra lúc 18h 54 phút giờ địa phương, tâm chấn ở độ sâu gần 8 mét và cách thành phố Santiago hơn 200km về phía bắc – tây bắc. Trận động đất mạnh 8,3 độ richter đã làm các tòa nhà ở thủ đô Santiago rung lắc mạnh và mọi người dân phải đổ ra đường.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã ngay lập tức triệu tập cuộc họp với đội ứng phó tình trạng khẩn cấp của chính phủ. Cơ quan chức năng bước đầu ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì động đất và yêu cầu 1 triệu người dân phải đi sơ tán khỏi khu vực ảnh hưởng.

Đây là trận động đất mạnh nhất ở Chile kể từ sau trận động đất mạnh 8,8 độ richter xảy ra tháng 2/2010 cũng gây ra sóng thần và làm hơn 500 người thiệt mạng.

>> Xem thêm: Người dân Chile hoảng loạn vì động đất 8,3 richter 

2. Hungary quyết định đóng cửa biên giới với nước láng giềng Croatia để ngăn dòng người tị nạn vào lãnh thổ nước này. Thủ tướng Hungary Orban cho biết, biện pháp này sẽ giúp ngăn dòng người tị nạn có thể chuyển hướng sang Croatia để vào Hungary thay vì Serbia sau khi Hungary đóng cửa biên giới với nước này một ngày trước đó.

Hungary bắt đầu xây hàng rào đóng cửa biên giới với Croatia (Ảnh AFP).

Theo Bộ Nội vụ Croatia, tính tới 21h đêm 16/9 (giờ địa phương), gần 1.200 người tị nạn đầu tiên đã đặt chân tới nước này bằng xe buýt, sau khi Thủ tướng Zoran Milanovic đồng ý cho phép người tị nạn qua lãnh thổ Croatia để vào Tây Âu.

3. Cảnh sát chống bạo động Hungary hôm 16/9 đã phải sử dụng hơi cay và phun vòi rồng nhằm giải tán khoảng hơn 100 người tị nạn.

Một bà mẹ bế đứa con nhỏ bị lực lượng chức năng Hungary buộc phải quay trở lại Serbia sau khi cố gắng vào Hungary trái phép (Ảnh Reuters)
Theo cảnh sát địa phương, một nhóm người tị nạn phản đối việc đóng cửa biên giới giữa Hungary và Serbia đã tìm cách phá vỡ lớp rào chắn tại một điểm giao cắt trên biên giới.

Chính phủ Hungary đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại hai địa hạt miền Nam giáp với Serbia và bắt đầu áp dụng luật cho phép cảnh sát bắt những người tị nạn cố tình vượt biên giới trái phép.

Bộ trưởng Lao động Serbia Aleksandar Vulin ngày 16/9 phản đối việc cảnh sát Hungary sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán người tị nạn.

4. Hôm 16/9, quân đội Burkina Faso đã bắt giữ Tổng thống lâm thời Michel Kafando cùng Thủ tướng Isaac Zida của nước này.

Người dân biểu tình trước dinh tổng thống sau khi cả Tổng thống Burkina Faso và Thủ tướng nước này bị bắt giữ (Ảnh AP).
Diễn biến mới làm gia tăng các mối lo ngại xảy ra đảo chính chỉ vài tuần trước khi nước này tổ chức một cuộc bầu cử.
Hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài dinh Tổng thống Burkina Faso hôm qua sau khi các nhà lãnh đạo lâm thời bị bắt giữ. Các binh sĩ đã bắn cảnh cáo giải tán đám đông biểu tình gần dinh tổng thống. Tuy không có báo cáo về thương vong nhưng không khí ở thủ đô khá hỗn loạn.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm nay (17/9) bày tỏ sự phẫn nộ trước những thông tin Tổng thống và Thủ tướng Burkina Faso bị đội cận vệ bắt giữ. Ông cho rằng hành động này là “sự vi phạm trắng trợn Hiến pháp và Hiến chương chuyển giao của Burkina Faso. Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định, “LHQ kiên định ủng hộ chính quyền chuyển giao cũng như Tổng thống lâm thời Kafando”.

5. Ngày 25/9 tới đây Tổng thống Mỹ Obama đón chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm chính thức. Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp Mỹ ngày 16/9, Tổng thống Mỹ cho biết, an ninh mạng sẽ là trọng tâm chính trong cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc, bởi vấn đề này đã trở thành một điểm bất đồng trong quan hệ Mỹ-Trung.