1. Quan chức hàng không Colombia đang điều tra giả thuyết rằng, chiếc máy bay của Brazil gặp nạn tối 28/11 là do hết nhiên liệu. 

roi_may_bay_2_ylbx_ukvv.jpg
Thi thể các nạn nhân trong vụ rơi máy bay ở Colombia được lực lượng cứu hộ đưa khỏi hiện trường vào sáng 29/11 (giờ địa phương). (Ảnh: AP).

Trước đó, ngày 30/11, truyền thông Colombia đã cho phát sóng một đoạn băng ghi âm trong buồng lái chiếc máy bay gặp nạn cho thấy giọng nói hoảng hốt của phi công khi nhận thấy máy bay đang hết nhiên liệu.

Trong đoạn ghi âm, phi công Miquel Quiroga đã báo cáo với đài kiểm soát không lưu về việc máy bay mang số hiệu CP2933 hoàn toàn hết nhiên liệu và điện bị ngắt chỉ vài phút trước khi bị rơi. 

Trước đó, phi công Quiroga cũng đã sớm yêu cầu được ưu tiên hạ cánh khẩn cấp do gặp “vấn đề nhiên liệu” và đã được sân bay quốc tế của thành phố Medellin đồng ý. Tuy nhiên, đài kiểm soát không lưu sau đó đã mất liên lạc với máy bay.

Hiện giới chức Brazil chưa xác nhận tính xác thực của đoạn băng trên. Trong tuyên bố đưa ra trước đó, giới chức hàng không cho biết chiếc máy bay xấu số được ghi nhận gặp trục trặc về điện, nhưng cũng có khả năng bị hết nhiên liệu. 

2. Vào đúng 12h trưa 1/12 (theo giờ Moscow, tức 16h Việt Nam), Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik).

Đây là bản Thông điệp thứ 23 trong lịch sử nước Nga mới và là thông điệp thứ 13 của Tổng thống Putin với những đề xuất về các bước đi cơ bản trong phát triển quốc gia những năm tới, mà cụ thể là trong năm 2017.

Thông điệp này đã được Tổng thống Putin chuẩn bị rất chu đáo, có trao đổi trước với các thành viên trong Hội đồng An ninh Liên bang, Chính phủ và cả Quốc hội.

Mặc dù tình hình thế giới hiện nay đang khá phức tạp, nhưng Thông điệp của Tổng thống Putin không vì thế mà nêu đậm hơn về các chính sách đối ngoại, bởi ưu tiên hiện nay của ông vẫn là những vấn đề trong nước.

Tổng thống Putin khẳng định ngay điều này khi mở đầu Thông điệp, đó là tập trung cho các vấn đề kinh tế, xã hội và chính sách đối nội. 

3. Đoàn xe tang chở di cốt của nhà lãnh đạo Fidel Castro đã xuất phát từ thủ đô La Habana vào hôm 30/11 (giờ Cuba) để đi tới thành phố Santiago de Cuba. Đoàn xe thực hiện hành trình 3 ngày tới nơi an nghỉ của lãnh tụ Fidel ở phía đông đảo quốc Cuba, nơi ông phát động Cách mạng Cuba 6 thập kỷ trước. 

Xe chở di cốt Fidel Castro. Ảnh: Reuters.

Người dân Cuba hai bên đường hô to “Fidel!” và vẫy những lá cờ Cuba, thể hiện nhiệt tình cách mạng và niềm tự hào dân tộc dành cho nhà cách mạng đã lãnh đạo Cuba trong suốt 49 năm.

Theo kế hoạch, di cốt của Fidel sẽ được đặt tại bảo tàng Ernesto "Che" Guevara ở thành phố Santa Clara trong cả đêm. Che Guevara là nhà cách mạng Argentina đã chiến đấu cùng anh em Castro và hy sinh ở Bolivia vào năm 1967 khi ông nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ đưa cách mạng ra khắp châu Mỹ-Latin.

Di cốt Fidel sẽ được mai táng ở thành phố Santiago de Cuba vào sáng 4/12 (giờ Cuba). Thành phố này là nơi Fidel mở đầu phong trào cách mạng vào năm 1953 bằng cuộc tấn công vào trại lính Moncada. 

4. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đêm 30/11 (theo giờ Việt Nam) đã thông qua Nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 5 và cũng là lớn nhất của nước này hồi tháng 9 vừa qua. Trừng phạt mới đánh vào xuất khẩu sẽ khiến Triều Tiên mất đi 1/4 kim ngạch xuất khẩu hàng năm. 

Thành viên Hội đồng Bảo an biểu quyết trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 3 tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ. Ảnh: AFP.

Với 15 phiếu thuận và không có phiếu chống, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu than đá– một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên - nhằm cắt giảm hơn 60% lượng xuất khẩu than đá hàng năm của nước này.

Nghị quyết cũng đưa thêm các loại khoáng sản như đồng, niken, bạc, kẽm vào danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu từ phía Triều Tiên, siết chặt lĩnh vực hàng hải và tài chính của nước này.

Hội đồng Bảo an cho rằng trừng phạt mới sẽ tạo đủ áp lực để buộc Triều Tiên phải giảm bớt căng thẳng trong khu vực và quay trở lại bàn đàm phán sáu bên. Đây là Nghị quyết trừng phạt thứ 6 mà Triều Tiên phải đối mặt sau khi tiến hành các vụ thử hạt nhân kể từ đầu năm 2006. 

5. Sáng 1/12, Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn đã từ Đức trở về Bangkok, 2 ngày sau khi Hội đồng Lập pháp (NLA) – Quốc hội Thái Lan suy tôn ông lên làm Quốc vương mới của nước này, kế vị Nhà vua Bhumibol Adulyadej quá cố. 

Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn (trái). (ảnh: Getty).

Truyền thông Thái Lan cho biết, vào lúc 18h30 tối 1/12, Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn sẽ có buổi tiếp kiến một phái đoàn do Nhiếp chính Prem Tinsulanonda dẫn đầu với đại diện của 3 nhánh quyền lực nhà nước là Thủ tướng Prayut Chan-ocha, Chủ tịch NLA Pornpetch Wichitcholchai và Chánh án Tòa án tối cao Veerapol Tungsuwan.

Tại buổi tiếp kiến này, Chủ tịch NLA Pornpetch Wichitcholchai sẽ chính thức mời Hoàng Thái tử Vajiralongkorn lên ngôi vua và ông sẽ nhận lời. Sau đó Chủ tịch NLA sẽ có một thông cáo cho toàn thể quốc dân. Tiếp sau đó vào lúc 20h cùng ngày, Phủ Nội vụ Hoàng gia Thái Lan sẽ có một thông cáo chính thức về việc Hoàng Thái tử trở thành Nhà vua Rama X của Vương triều Chakri đã có lịch sử 234 năm./.