Sau gần 10 giờ đàm phán trong vòng đàm phán đầu tiên và hơn 24 giờ đàm phán trong 2 ngày tiếp theo, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy, đàm phán đã đạt được tiến bộ trong việc làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay.

Theo một số nguồn tin, tại cuộc đàm phán, các đại diện của Triều Tiên yêu cầu quân đội Hàn Quốc chấm dứt việc phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng tại khu vực biên giới, trong khi phía Hàn Quốc yêu cầu trước hết Triều Tiên phải nhận trách nhiệm về vụ nổ mìn ở Khu phi quân sự (DMZ). 

dam_phan_lien_trieu_npdw.jpg
Phái đoàn Hàn Quốc (trái) đàm phán với 2 quan chức cấp cao Triều Tiên (phải) hôm 23/8. (Ảnh: Reuters)

Hai bên cũng đã thảo luận nhiều vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và việc Hàn Quốc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế từ ngày 24/5/2010 sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc.

Đàm phán kéo dài mà không mang lại kết quả rõ rệt đã khiến các bên không khỏi thất vọng, đặc biệt là từ phía Hàn Quốc. Cả Chính phủ và Quân đội Hàn Quốc trong ngày hôm nay đều đưa ra những tuyên bố khá cứng rắn đối với Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã yêu cầu Triều Tiên xin lỗi về vụ nổ mìn ở khu phi quân sự nếu không Hàn Quốc sẽ tiếp tục các buổi phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh: Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức vì sự thịnh vượng và nền hòa bình chung giữa hai miền nếu hai bên có thể tháo ngòi tình trạng căng thẳng thông qua thương lượng.

Bà Park Geun Hye nói: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi rõ ràng và cam đoan từ phía Triều Tiên không tái diễn hành động làm gia tăng căng thẳng. Nếu không, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả và tiếp tục phát thanh tuyên truyền dọc biên giới hai miền”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cùng ngày cho biết: “Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc đang xem xét thời điểm triển khai một số trang thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ, trong đó có máy bay ném bom B-52 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tàu ngầm trang bị hạt nhân”.

Đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc đe dọa đưa thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ vào sử dụng trên bán đảo Triều Tiên. Hai năm trước khi căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang sau các cuộc tập trận chung Mỹ và Hàn Quốc, Mỹ cũng đã cho điều máy bay ném bom và đưa tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên.

Hiện giới chức Triều Tiên chưa đưa ra bất cứ bình luận gì. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên xin lỗi về vụ nổ mìn ở khu phi quân sự sẽ chỉ khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng. Bởi đến nay, Triều Tiên vẫn một mực phủ nhận có liên quan đến vụ nổ này, do vậy một lời xin lỗi từ phía Triều Tiên vào thời điểm này là một công việc không hề dễ dàng gì. Cuộc đàm phán "maraton" giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong 3 ngày qua đã phần nào phản ánh thực tế này.

Theo Giáo sư Yang Moo Jin thuộc Đại học nghiên cứu về Triều Tiên tại Hàn Quốc, bất cứ nghị quyết về các vấn đề giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào lúc này đều đòi hỏi những quyết định mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo của hai nước. Một giải pháp hiện nay là hai bên sẽ phải thường xuyên tiến hành các cuộc gặp cấp cao nhằm giải quyết những bất đồng có liên quan./.