Trong khi đó, dư luận chính giới và xã hội nước này tiếp tục tranh luận sôi nổi về những nội dung của dự thảo Hiến pháp.

Trong cuộc họp ngày hôm qua (15/12), Hội đồng cải cách quốc gia đã tranh luận, cân nhắc những ưu nhược điểm của các đề xuất về nội dung dự thảo Hiến pháp của 18 Ủy ban cải cách thuộc Hội đồng này, nhằm chốt lại những nội dung phù hợp nhất, phục vụ cho tiến trình soạn thảo Hiến pháp.

thai_yiva.jpgCác thành viên Hội đồng cải cách quốc gia Thái Lan. (Ảnh: news.asiaone.com)
Tuy nhiên, kết quả cuộc họp vẫn có một số điểm quan trọng còn chưa đạt được sự đồng thuận; đặc biệt là về thể thức bầu cử Hạ viện và Thượng viện; vấn đề bầu Thủ tướng thông qua Quốc hội hay bầu cử trực tiếp; Thủ tướng có bắt buộc là hạ nghị sỹ hay không v.v.

Theo lộ trình soạn thảo Hiến pháp, những đề xuất về nội dung dự thảo Hiến pháp còn phải được Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia, Hội đồng lập pháp quốc gia xem xét; đồng thời Hội đồng cải cách quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cũng phải tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của các tầng lớp xã hội Thái Lan.

Trong khi đó, đại diện các chính đảng, các nhà nghiên cứu của Thái Lan đã phản đối khá mạnh mẽ đề xuất về việc tiến hành bầu cử trực tiếp Thủ tướng cũng như đề xuất về thể thức bầu cử Hạ viện và Thượng viện.

Các ý kiến phản biện cho rằng, những đề xuất nêu trên kèm theo các điều kiện “phi dân chủ”, không tách bạch và cân bằng quyền lực giữa lập pháp và hành pháp, làm suy yếu vai trò của các chính đảng; có thể gây nhiều khó khăn, phức tạp cho hoạt động của bộ máy chính quyền. Đáng chú ý, các đề xuất về nội dung dự thảo Hiến pháp hiện đang nhận được nhiều ý kiến, tranh luận trái chiều, cả trong nội bộ chính quyền và của dư luận xã hội Thái Lan.

Một số nhà phân tích chính trị nhận định, lịch sử chính trường Thái Lan cho thấy, mỗi lần soạn thảo Hiến pháp mới thường dẫn tới nhiều hệ lụy và những biến động chính trị to lớn. Do đó, tiến trình soạn thảo Hiến pháp lần này sẽ theo hướng cải cách tích cực hay bị thụt lùi sẽ là điều mà dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cần phải đặc biệt quan tâm theo dõi và có phản biện kịp thời.

Theo các chuyên gia, nhiều vấn đề quan trọng của nội dung dự thảo Hiến pháp vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia Thái Lan cũng đang phải lưỡng lự, cân nhắc và tiếp tục dành thêm thời gian để thăm dò phản ứng của dư luận trước khi đưa ra quyết định về những vấn đề này./.