Các nhà lãnh đạo Chính quyền Thái Lan sẽ phải cân nhắc thận trọng khi đưa ra những quyết định về việc liệu có tiến hành trưng cầu ý dân và những vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp mới. 

Đây thực sự là những lựa chọn khó khăn, trong lúc đa số dư luận chính giới và xã hội phản đối khá mạnh mẽ nhiều điều khoản của dự thảo Hiến pháp mới cũng như yêu cầu Chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phải tổ chức trưng cầu ý dân đối với bản dự thảo Hiến pháp này. 

Trong những ngày gần đây, đại diện 74 chính đảng và nhiều tầng lớp xã hội  của Thái Lan, thậm chí cả đại diện Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cũng đã đề xuất cần thiết phải tiến hành trưng cầu ý dân, vì Hiến pháp mới có hiệu lực rộng khắp, trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân; đồng thời là cơ sở pháp lý cho các cơ chế và hoạt động của hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp, các cơ quan độc lập theo Hiến pháp và chính quyền các địa phương. 

Luồng dư luận này chấp nhận lui lại thời điểm tổng tuyển cử để Thái Lan có được một bản Hiến pháp mới đảm bảo nguyên tắc "của dân, do dân và vì dân" trong chế độ dân chủ; đồng thời tạo thuận lợi cho Thái Lan phát triển lành mạnh, bền vững trên mọi lĩnh vực trong tương lai. 

Nếu chấp nhận tổ chức trưng cầu ý dân, Chính quyền Thái Lan sẽ có lợi thế vì có thể kéo dài thời gian cầm quyền để giải quyết thấu đáo hơn tiến trình cải cách và khắc phục những khó khăn bức xúc về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc trưng cầu ý dân cũng có thể làm phát sinh những mâu thuẫn, phức tạp mới, khó kiểm soát trong đời sống chính trị - xã hội. 

Bên cạnh đó, chính quyền Thái Lan cũng phải xem xét, quyết định về số lượng và mức độ những vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp để có thể đảm bảo được các mục tiêu cải cách, đồng thời được sự chấp nhận của đa số dư luận chính giới và xã hội. 

Các nguồn  tin trong giới báo chí Thái Lan cho biết, một số thành viên ban lãnh đạo Chính quyền nước này có quan điểm không "mặn mà" với việc tổ chức trưng cầu ý dân, vì lo ngại dự thảo Hiến pháp có thể không được đa số nhân dân chấp nhận. 

Các ý kiến nêu trên nghiêng về phương án chỉ cần Hội đồng cải cách quốc gia thông qua dự thảo Hiến pháp mới (sau khi đã sửa đổi), theo đúng lộ trình mà Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã đề ra. 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị Thái Lan nhận định, dù có lựa chọn phương án trưng cầu ý dân hay không, thì Chính quyền Thái Lan cũng khó có thể cho ra đời một bản Hiến pháp hoàn hảo, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí dân chủ, pháp quyền; vì các cơ chế và nhân sự tham gia soạn thảo Hiến pháp mới không thực sự là đại diện của đa số nhân dân Thái Lan./.