Theo Chủ tịch Cơ quan quản lý cảng hàng không Thái Lan (AOT), ông Nitinai Sirismatthakarn, cơ quan này đang xem xét đóng cửa hai trong số sáu sân bay quốc tế mà cơ quan này quản lý do giảm giá trị sử dụng, đó là sân bay quốc tế Hat Yai ở tỉnh Songkhla, phía Nam Thái Lan và sân bay quốc tế Mae Fah Luang – tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan.

sb_min_1_vubo.jpg
Sân bay quốc tế Hat Yai của Thái Lan. Ảnh: Thai Airways.

Sáu sân bay quốc tế hiện thuộc quyền quản lý của Cơ quan quản lý cảng hàng không Thái Lan (AOT) là sân bay Suvarnabhumi, Don Mueang tại thủ đô Bangkok, ở phía Nam có 2 sân bay là Hat Yai và Phuket, ở phía Bắc có 2 sân bay là sân bay Chiang Mai và ưMae Fah Luang – tỉnh Chiang Rai.

Theo kế hoạch của Cơ quan quản lý cảng hàng không Thái Lan trong 5 đến 6 năm tới, cơ quan này sẽ sáp nhập sân bay Hat Yai với sân bay ở gần khu vực này là Phuket và có thể sẽ xây dựng một sân bay thứ hai ở Pheket.

Theo ông Nitinai, Hat Yai là một trung tâm kinh tế ở miền Nam nhưng không phải là một trung tâm du lịch. Những người du lịch đến Hat Yai thường gặp khó khăn khi di chuyển bằng máy bay đến những nơi khác. Sân bay Hat Yai đã chứng kiến sự suy giảm khách du lịch trong vài năm qua, đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng như Malaysia và du khách đã dần dần chuyển điểm đến chính từ Hat Yai tới Phuket để du lịch và thuận tiện trong kết nối với các địa điểm khác tại Thái Lan bằng hàng không.

Trong năm tài chính 2019 (từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2019), sân bay Hat Yai chỉ phục vụ 4,02 triệu hành khách, giảm 5,6% so với năm 2018, trong khi số lượng chuyến bay cũng giảm 7,4%.

Trong khi đó, sân bay Mae Fah Luang – tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự do thiếu các chuyến bay và phương tiện kết nối để thu hút khách du lịch nước ngoài. Bên cạnh việc xem xét đóng cửa và sáp nhập các sân bay, Cơ quan quản lý cảng hàng không Thái Lan sẽ tìm kiếm các nguồn thu bổ sung để bù lỗ như cho tư nhân thuê và cung cấp dịch vụ khác./.