Trong khi thông báo của Trung Quốc về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là đã thúc đẩy bước tiến tích cực về tiến trình hòa bình trên bán đảo này thì ông Kim lại thể hiện một tiếng nói khác.

141110204938_kim_jong_un_horizontal_large_gallery_iwbn.png
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Getty image.

“Trên lập trường kiên định của mình, chúng tôi cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của cố lãnh đạo Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và cựu Tổng tư lệnh Kim Jong Il”, Tân Hoa xã dẫn lời của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tuy nhiên, những điều ông Kim tuyên bố sau đó đã chỉ rõ mong đợi của ông trước hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ. “Vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ đáp lại những nỗ lực của chúng tôi bằng thiện chí, tạo không khí hòa bình và ổn định trong khi tiến hành các biện pháp tiến bộ và đồng bộ để hiện thực hóa hòa bình”, ông Kim khẳng định.

Khẳng định của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho thấy con đường tiến tới phi hạt nhân hóa của Triều Tiên phụ thuộc vào cách Hàn Quốc và Mỹ đáp trả những lời đề nghị hòa bình của quốc gia này như thế nào. Nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ Triều Tiên ủng hộ các nỗ lực ngoại giao chỉ để “câu giờ” như những thỏa thuận trước đó.

Bức ảnh ghép Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được phát trên 1 bản tin của truyền hình Hàn Quốc (Ảnh: AP).

Mintaro Oba, một cựu nhân viên ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên – Hàn Quốc cho biết còn quá sớm để nói về những đề nghị mới đây của Triều Tiên. “Tôi sẽ không cho rằng vấn đề này là một sự thay đổi trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Kim Jong Un đang cho thấy ông ta có nhiều sự lựa chọn. Ngay tại thời điểm này, ông ấy dường như đang cố gắng thể hiện thiện chí nhiều nhất có thể.”

Quan điểm Triều Tiên sẽ cho phép các điều tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác minh việc đã từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là điều gần như bất khả thi, nhất là khi quốc gia này cân nhắc về tầm quan trọng của vấn đề hạt nhân với ảnh hưởng trong nước và quốc tế. Vào năm 2012, Triều Tiên đã tái thiết lập tham vọng hạt nhân và thông báo kế hoạch “sản xuất hàng loạt các đầu đạn hạt nhân và tên lửa tầm xa sẵn sàng hành động” ngay trong tháng 1.

Khẳng định của ông Kim rằng Mỹ nên áp dụng “các biện pháp tiến bộ và đồng bộ để hiện thực hóa hòa bình” phản ánh sự phức tạp trong nỗ lực này. Một số chuyên gia ước tính rằng tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên có thể phải mất tới 10 năm mới đạt được và mặc dù một số phóng viên cho biết Triều Tiên có thể sở hữu tới 20 quả bom nguyên tử, nhưng con số chính xác đến nay vẫn chưa thể biết được.

“Sẽ cần nhiều thời gian và sự đàm phán để xem Triều Tiên sẽ linh động trong việc giải quyết vấn đề này như thế nào. Cần phải có một cuộc điều tra sau hội nghị chứ không thể chỉ đơn thuần tổ chức một hội nghị như vậy. Phải có nhiều cuộc họp, cuộc hội đàm hơn nữa để xác định một cơ sở chung và xem xét điểm nào có thể linh động giải quyết”, ông Oba tuyên bố.

Yêu cầu để những cuộc hội đàm được duy trì liên tục và tiến hành quá trình xác minh việc thực hiện của Triều Tiên đã làm giảm mong đợi về việc đạt được những bước tiến quan trọng trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Đề cử cố vấn an ninh quốc gia mới đây của ông Trump là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton cũng cho thấy một câu hỏi đầy thách thức đối với vận mệnh của hội nghị và con đường phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Những tuyên bố không khoan nhượng về chiến tranh và xung đột vũ trang của ông Bolton làm dấy lên những lo ngại của các chuyên gia về chính sách đối ngoại, những người vẫn luôn hoài nghi về những điều chính quyền Trump sẽ thực hiện trên bán đảo này. Trong một cuộc phỏng vấn 3 ngày trước khi được đề cử, Bolton chỉ rõ ông không có kiên nhẫn cho một tiến trình đàm phán dài dòng với Triều Tiên.

“Tôi nghĩ thật sai lầm khi xem đây là một cuộc họp thượng đỉnh bình thường với hàng tháng chuẩn bị. Ít nhất là từ quan điểm của Mỹ, chúng tôi hiểu rõ vấn đề ở đây là gì. Đó là loại bỏ các chương trình hạt nhân của Triều Tiên và như tôi nói, chúng tôi rất vui lòng lưu trữ chương trình này ở Oak Ridge, Tennessee. Đó là những gì cuộc thảo luận này phải hướng tới. Còn nếu nó về bất cứ vấn đề gì khác thì hội nghị này chỉ thêm lãng phí thời gian", ông Bolton cho biết.

Tuy nhiên, cựu nhân viên ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ Oba thì lại có quan điểm khác: “Nếu mục tiêu của Mỹ đến đây là để chứng kiến sự thay đổi đáng kể và kiên quyết các cuộc hội đàm phải “kết thúc tất cả” thì cái giá phải trả sẽ là một hội nghị thất bại. Tuy nhiên, cách dễ dàng để tránh điều này là đảm bảo những gì chúng ta sẽ thảo luận trong hội nghị không phải như một cuộc thương lượng rủi ro cao mà là khởi đầu của một tiến trình lâu dài”./.